Nhà văn Trương Chí Hùng và hai câu chuyện nhỏ về miền Tây
Có những câu chuyện nhỏ xíu vậy thôi, mà khiến nhà văn Trương Chí Hùng yêu miền Tây đến lạ kỳ. Hễ có dịp nghỉ hè, bạn bè hay rủ đi du lịch nước ngoài nhưng với nhà văn thì chỉ muốn rủ bạn về miền Tây chơi.
Không biết bao nhiêu lần nhà văn Trương Chí Hùng tự cười một mình, rồi nghĩ thầm trong bụng: “Chèn ơi, cái xứ gì mà cưng quá chừng! Tui nhớ quài cái nụ cười hiền khô của bà Tư bánh bò trên bến đò, rồi cái câu nói trỏng không, trớt quớt mà thiệt tình của anh Tư cá hô, cả cái xua tay xề xòa “chèn đét ơi! có gì đâu mày ơi” của mợ Sáu bánh cam...".
Nhớ rồi thèm, thèm cái cảm giác chạy giữa những cánh đồng bát ngát để săn bắt chuột hay ngồi trên chiếc xuồng nhỏ xuôi theo dòng kênh để nhớ lại cái thời thịt heo chia lúa.
Đi nhiều nơi, gặp cũng nhiều người rồi mà chỉ nhớ và thương cái xứ này. Lạ kỳ thiệt!
Ví cù bắt chuột
Thời điểm này, trên cánh đồng ở miền Tây đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa hè thu. Đây là thời điểm “vàng” để nhiều người tham gia ví cù bắt chuột đồng rất đông vui, nhộn nhịp. Mùa này, tiếng hò hét, tiếng cười sảng khoái của người bắt chuột vang lên khắp cánh đồng.
Nhà văn Trương Chí Hùng cho biết, ví cù là một trong những hình thức bắt chuột phổ biến của nông dân miền Tây trong thời buổi cơ giới hóa. Nó được hiểu là “ví” chuột trong một thửa lúa còn chừa “cù” lại chưa cắt để bắt. Nếu như đi săn chuột bình thường thì phải mang theo dụng cụ như chỉa, bẫy… còn đi ví cù thì chỉ việc mang theo bao (loại đựng lúa) để mà “hốt” chuột.
“Hồi đó, dân quê tôi toàn là cắt lúa bằng tay, chớ không phải cắt máy như bây giờ. Cắt bằng tay tuy có cực, nhưng nhiều lúc cũng thấy vui lắm. Vui nhất là khi cắt tới những công lúa cuối cùng trên cánh đồng, bà con tổ chức ví cù bắt chuột.
Thông thường, chuột sống trên ruộng lúa, ăn thức ăn có sẵn nên con nào con nấy trắng hếu, béo ú. Khi mình thu hoạch công ruộng này, bọn chuột sẽ chạy sang công ruộng khác. Thế nhưng, cánh đồng cứ thu hẹp dần, và chuột dồn vào mấy công lúa còn lại cũng là điều dễ hiểu”, nhà văn Trương Chí Hùng nhớ lại.
Anh Trương Chí Hùng chia sẻ thêm, việc cắt lúa mà có ví cù bắt chuột thì vui, vì ngoài những nhân công chính, nhiều người trong xóm cũng sẽ đến cắt chung, khỏi lấy tiền công mà chỉ để bắt chuột.
“Trước khi cắt, người ta đến một góc ruộng, tạo hình gần giống như cái mũi tàu. Góc ruộng này phải khô ráo, lúa không được sập. Sau đó, người dân sẽ dùng cái chài (dụng cụ chài cá) phủ lên trên góc ruộng đó. Phần chân của chài ngoài mép lúa thì được tấn kỹ, để chuột không thể chui ra, phần chài phủ trên ngọn lúa thì cứ để tự nhiên, cho chuột dễ chạy vào. Người ta có thể phủ thêm rơm ở mép lúa, men theo chân chài, để chuột vào đó thấy kín đáo rồi nằm lại. Cái góc lúa được phủ chài lên gọi là cái “cù”.
Công đoạn chuẩn bị xong, bà con sẽ đi về phía ruộng xa cái cù nhất để cắt, dần dần “lùa” chuột vào cù. Trong quá trình cắt, bà con cũng rất để ý vì có thể chuột thấy động, chạy ngược về phía sau bà con. Lúc ấy, mọi người liền buông lưỡi hái xuống và rượt bắt. Tuy nhiên, số chuột chạy ngược thường không nhiều, vì đa số chuột đã bị lùa vào cù.
Khi cắt gần tới cù, bà con bắt đầu sụp cái mí chài còn lại xuống, để chụp toàn bộ chuột trong đó, không cho chạy ra. Những người đàn ông dạn dĩ được cho vào bên trong chài, cắt khoảng lúa nhỏ còn lại, rồi bắt từng con chuột. Con nào có chạy thì cũng quẩn quanh trong cái chài, người dân sẽ bắt được hết.
Tùy theo công ruộng có chuột nhiều hay ít, nhưng thường là mỗi lần ví cù như thế sẽ bắt được cả bao chuột mấy chục ký lô. Bà con chia nhau mỗi người một mớ, đem về ăn”, nhà văn Trương Chí Hùng nói.
Cũng theo nhà văn Trương Chí Hùng, chuột đồng làm được nhiều món ngon, như xào rau răm, nướng, chiên, kho, nấu canh chua với cơm mẻ… Tuy nhiên, món được bà con miền Tây ưa chuộng là chuột khìa nước dừa.
Những con chuột mập ú, khìa lên vàng nghính, thơm nức mũi. Chuột khìa mà chấm nước mắm trong, ăn kèm với xoài sống bằm và rau đồng nữa thì không còn gì bằng.
…đến chuyện thịt heo đổi lúa, có ai còn nhớ?
Không biết trong mớ ký ức vụn của mình, những ai tầm tuổi ba mươi mấy trở lên, có nhớ về những năm tháng khốn khó của các gia đình nói chung trong giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh và bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới hay không.
Lúc đó, nhà văn Trương Chí Hùng chưa đầy 10 tuổi. Đa phần ở một số vùng nông thôn tỉnh An Giang, cuộc sống đều chật vật, nhưng cũng chính thời điểm ấy, hình như bà con nông dân nương tựa vào nhau, chia sẻ những khó khăn vất vả nhiều hơn, thể hiện rõ tình làng nghĩa xóm.
Nói như thế không có nghĩa rằng hiện tại, tình làng nghĩa xóm ở các vùng nông thôn ít đi, hay phai nhạt; chỉ có điều, cuộc sống bây giờ bị tác động quá nhiều của công nghệ thông tin, cho nên, sau thời gian mệt mỏi với ruộng rẫy, với đồng áng, có chút thời gian rảnh, những nông dân cũng lấy điện thoại cảm ứng, cũng “quẹt, quẹt” như ai!
Hồi xưa ở miền Tây vùng sông nước cá mắm nhiều vô số kể, nhưng thịt thà thì cực kỳ khan hiếm. Bởi lẽ, nhà nào nuôi được con gà con vịt thì cũng đều nghĩ tới chuyện bán lấy tiền đong gạo. Trừ khi gà vịt bị trúng gió chết, gia chủ mới làm thịt ăn. Heo với trâu bò thì người khá giả mới nuôi nổi, chớ dân nghèo thì thua.
Bạn đừng quá ngạc nhiên với những gì nhà văn Trương Chí Hùng gợi lại, chắc chắn sẽ có dày kỷ niệm, thương một thời ký ức cần được nâng niu, lưu giữ. Cái từ “chia lúa” cũng đủ hình dung khi bạn chưa từng lớn lên ở thời điểm đó rồi.
Nhà văn Trương Chí Hùng kể: “Nếu không có đám tiệc gì đặc biệt, thì mỗi năm gia đình chỉ ăn thịt heo được hai lần. Đó là vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Đoan ngọ (mùng Năm tháng Năm). Vào những ngày này, xóm tôi nhất định sẽ có người mần heo để bán. Nói là bán, chớ thật ra ít ai mua bằng tiền mặt lắm, mà đa số đến đổi lúa lấy thịt.
Cũng không phải người mua vác bao lúa lại rồi đem mấy ký thịt heo về, mà bà con chỉ đến “nói miệng”. Ví dụ muốn đổi một ký thịt ba rọi thì mất một giạ lúa, người bán chỉ ghi vào sổ, sau đó đưa thịt cho người mua mang về ăn. Nào tới mùa thu hoạch người ta sẽ đem lúa lại trả.
Trong các món chế biến từ thịt heo, tôi thích nhất là món thịt kho tàu. Má tôi đổi thịt về, cắt mấy miếng ba rọi thành hình chữ nhật, mỗi miếng đều có da, mỡ và thịt đan xen. Sau đó, má ướp gia vị và kho thịt với nước dừa tươi, trứng vịt. Thịt kho chín mềm rệu, ăn vào mặn mặn béo béo thơm thơm, ngon không thể tả.
Ngày Tết người ta thường chỉ muốn nghỉ ngơi và vui chơi nhiều, nên hầu như nhà nào cũng làm món thịt kho tàu. Một nồi thịt kho bự chảng, mỗi bữa chỉ cần hâm lại rồi múc ra tô, gọt thêm trái dưa hấu và mấy trái dưa leo, mớ rau sống nữa là coi như tươm tất mâm cơm.
Nhà tôi đông người, nên mỗi dịp Tết má tôi phải đổi thịt heo hết mấy giạ lúa. Thịt đem về ăn thì ngon, nhưng đến mùa đi cắt lúa mướn muốn còng lưng mới đủ trả cho người ta, nên anh chị tôi thấy ngán lắm. Lúc đó tôi còn nhỏ, thấy có thịt là ăn như xáng múc, nào biết nỗi cơ cực của các anh chị”.