Nhà văn Võ Diệu Thanh: 'Tạng của tôi là càng cũ càng thấm'
Võ Diệu Thanh là cái tên không còn xa lạ với độc giả cả nước. Qua các trang văn của chị, vùng châu thổ ở cõi Tây Nam hiện ra sống động, chân thật và cũng khốc liệt. 'Trò chuyện với lục bình' (Nhã Nam và NXB Phụ Nữ Việt Nam 2022) là tập tản văn mới nhất của nhà văn Võ Diệu Thanh, tập hợp những bài viết về con người và vùng đất miền Tây Nam bộ.
Miền Tây có rất nhiều loài thực vật, sao chị lại chọn lục bình để “chuyện trò”?
Trong mắt cư dân của vùng sông nước miền Tây, lục bình không đơn thuần là một loài thực vật, mà như biểu tượng của một góc cảm xúc ai cũng có. Nó bất chấp vô thường nên cứ mải miết xanh dẫu đời bọt bèo tan hợp giữa linh binh sông nước. Nó bạo liệt tới mức giữa bình yên cũng nẩy nở mướt ngần mà thác ghềnh giông tố càng là điều kiện để sinh sôi mạnh mẽ.
Giữa dòng sống trầm luân trôi nổi, giữa bạt ngàn dòng cảm xúc vui buồn, người quê thấy trong lục bình có mình, trong mình có chút phận lục bình. Thương lục bình là một thứ tình thương không điều kiện và cũng không cần hồi đáp.
Trong sách có hình ảnh những chiếc cầu khỉ bắc dọc đường mỗi mùa nước nổi. Nhưng có lẽ hình ảnh này cũng đã xa xôi? Sống và viết ở miền sông nước, chị cảm nhận như thế nào về những thay đổi ở đây, thiên nhiên, con người…?
Những mùa đê bao mới, những đập thủy điện thượng nguồn biến đổi hoàn toàn vùng sông nước Cửu Long. Rất nhiều hình ảnh không bao giờ tìm lại được: cảnh bơi xuồng đi học, cảnh ngồi bên cầu thang nhà nhìn những dề lục bình, rau muống trôi ngang, cảnh cầm tay lưới xuống sân nhà giăng một đoạn ngắn cũng dính được những con cá linh, cá thiểu nhảy soi sói.
Tôi nhớ, tôi chơi vơi là có. Nhưng đứng giữa cơn biến thiên từng ngày của tạo cảnh, càng luyến nhớ cái cũ càng làm tôi yêu quý những hiện tại, dẫu nó chỉ là những bóng cây, những bờ rào đầy cỏ. Bởi tôi cảm nhận mọi thứ bình dị nhàm chán hiển hiện như lẽ dĩ nhiên kia đều sẽ mất đi vào một ngày nào đó.
Chị viết: “Sống thời nào cũng là đang tập làm xiếc, tập cân bằng”. Chị làm sao cân bằng giữa đời sống cá nhân, công việc ngoài xã hội, và viết lách?
Là người viết nên tôi cần nhạy cảm để đồng cảm những buồn vui thương giận, cần lắng đọng lạnh lùng để ngoại cuộc, để khách quan và thấu suốt. Hai trạng thái đối lập đó đồng hành và đòi hỏi cân bằng để tồn tại. Tôi cho phép mình bị nhiễu bởi môi trường vì đó là những lúc tôi thật sự sống. Sau đó tôi cần những góc riêng để bình ổn nguyên khí mà nhiễu loạn mang lại.
Góc bình ổn là những giấc ngủ li bì giữa không gian hoàn toàn yên tĩnh, là những trang văn để viết để đọc mang tính chất thẩm thấu và nhắc nhở. Lúc đó những nhiễu loạn được tôi nhìn nhận như một nhà nông nhìn lại mớ rau quả thu được trong một mùa vụ cày xới tận tình.
Tác giả hay tác phẩm chị yêu thích có phụ thuộc vào những giai đoạn khác nhau không?
Tôi yêu thích nhiều nhà văn nhưng không mê, Hemingway là điển hình. Sở thích của tôi có thay đổi một phần. Hồi trên ghế nhà trường tôi thích đọc nhà văn Duy Khán, mê truyện trinh thám, không mê Hemingway. Khi lớn tôi vẫn thấy Duy Khán hay nhưng không mê trinh thám nữa mà thích những kiểu viết như Hemingway.
Nếu phải mô tả về văn chương của mình, chị sẽ mô tả nó như thế nào?
Sống động chân thành và biến động. Bởi vì tôi thích đọc những dòng văn như vậy.
Trước Trò chuyện với lục bình chị từng có một số tác phẩm viết về thảm sát ở Ba Chúc. Chị có định trở lại với đề tài này không?
Những nơi đã từng qua, đã từng thấm là những nơi tôi hay trở về thăm. Mà nơi nào tôi hay ghé thăm đều sẽ nhìn nó ở một góc nhìn mới hơn theo thời gian. Lúc đó tôi lại làm gì đó cũng không chừng.
Hiện tại bên cạnh tác phẩm dành cho thiếu nhi, tôi có những dự án ít nhiều cũng liên quan tới chiến tranh nhưng cách thể hiện khác hơn. Đó cũng là cách tôi trở về vùng căn cứ.
Nhắc tới văn chương miền Tây, độc giả nghĩ ngay đến ruộng đồng, sông nước, thiên nhiên ưu đãi… Nhưng đời sống miền Tây phong phú và phức tạp hơn, cả không gian đồng bằng từ lâu cũng đã có bóng dáng phố thị. Chị nghĩ văn chương viết về đất và người Đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh kịp nhịp sống hôm nay chưa?
Về quang cảnh thì văn chương chưa tách bạch được những vùng miền giữa đồng bằng. Nhưng về phận người, mỗi vùng lộ thiên khác nhau qua cơn xói mòn khốc liệt của lịch sử, thì văn chương bắt nhịp tương đối kịp. Chỉ có điều chưa có tác phẩm tạo dấu ấn ngoài những gì hồn hậu trực tính từng nổi bật.
Miền Tây vẫn chưa khai thác hết nên tôi tiếp tục khai thác nữa. Nếu muốn viết về một nơi nào đó, tôi chỉ ghé chơi một chút bởi mến mộ rồi về. Tạng của tôi là càng cũ càng thấm nên tôi càng phải dấn thân sâu hơn vào những chân tình thân thuộc. Mọi thứ bên ngoài khác đi không ngừng và bản thân tôi cũng khác đi không ngừng trong cách nghĩ, cách tiếp nhận nên tôi không sợ nhàm chán khi tắm lại những bến sông quen.
Miền Tây trong Trò chuyện với lục bình có gì mới so với những quyển sách trước đây của chị…
Đó là quyển sách được viết sau khi má tôi mất. Tôi thấm hơn về vô thường. Trước đó tôi triền miên lo sợ ngày nào đó má bệnh và mất đi. Trước đó tôi luôn dự tính những kế hoạch tưởng chừng như má tôi trường sinh bất tử. Sau tất cả tôi học cách vui với hiện tại, coi hiện tại là vé số độc đắc còn tương lai hay quá khứ là phần được khuyến mãi thêm.
Tôi không những học cách trò chuyện với lục bình, với cây cỏ mà còn trò chuyện với hơi thở lẫn dòng dinh dưỡng có trong cơm cá rau thịt ăn uống mỗi ngày. Những ám ảnh bởi nghịch cảnh này nọ vẫn còn, vẫn dễ sốc trước những biến đổi nhưng nó được hóa giải nhanh hơn, có định hướng hơn.
Tôi ca tụng giá trị của hoang dã, cả cái đẹp lẫn cái xấu. Hoang dã giữa thiên nhiên và hoang dã giữa máy móc, giữa những khối bê tông cốt sắt lạnh lùng. Nó là món báu vật. Khi người ta an bài với vô thường, người ta mới đủ khả năng hoang dã. Sức sống là ở đó, an lạc là ở đó. Hiện tại tất cả chúng ta đều đang chống đối sứ mạng chính mình. Cuộc chống đối tạo ra những nghịch cảnh mới và cuộc chống đối mới.
Năm 1994, Võ Diệu Thanh được biết tới trên văn đàn với giải nhất Cuộc thi văn chương Thủ Khoa Nghĩa - Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. Khi ấy chị mới 19 tuổi. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược được trao giải nhì trong cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần thứ 4...
Cô giáo “kiêm” nhà văn xứ An Giang này đã cần mẫn viết lách với nhiều thể loại: Gạt nước mắt đi, Con nước say mèm, Cô con gái ngỗ ngược, 17 cây số đường ma, Cửa sổ hình tia chớp... (tập truyện ngắn); Viên đạn về trời, Lần đầu thấy trăng... (tiểu thuyết); Siêu nhân cua, Những cậu bé mặt trời, Tiền của thần cây... (truyện vừa cho thiếu nhi); Quà tặng của ngày mai (truyện dài cho thiếu nhi); Về từ hành tinh ký ức (ký sự); Bờ vai cho cả bờ vai (tản văn), Muôn dặm sầu giăng (biên khảo),…
Huỳnh Trọng Khang thực hiện