Nhà Vuông ấp Bình Nam - Nơi gắn kết cộng đồng

Di tích lịch sử Nhà Vuông hiện thuộc ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An tại khuôn viên Nhà Vuông trước kia. Không ai nhớ rõ Nhà Vuông tại ấp Bình Nam được xây dựng khi nào nhưng đó vốn là nơi hội họp, quyết định những điều quan trọng liên quan đến cộng đồng, nơi cúng bái tưởng nhớ công đức các bậc tiền hiền khi chưa xây được đình làng, nơi truyền đạt thông báo và mệnh lệnh của chính quyền đến với nhân dân.

Bia ghi công liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng trong ấp Bình Nam được đặt trong khuôn viên Nhà Vuông

Bia ghi công liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng trong ấp Bình Nam được đặt trong khuôn viên Nhà Vuông

Nơi sinh hoạt cộng đồng

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Nam - Trần Văn Xanh nhớ lại, từ khi ông còn nhỏ thì Nhà Vuông đã có trong ấp và trở thành địa điểm hội họp, làm việc của cách mạng. Mới hơn 10 tuổi, cậu bé Xanh đã biết mang thuốc men, thức ăn, đôi khi là tiền mà người dân trong xóm gửi đến Nhà Vuông cho các chú, các anh. Ông Xanh nhớ lại: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên hiểu rõ người dân trong ấp một lòng theo cách mạng. Chỉ riêng ấp này mà đã có 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 100 liệt sĩ, thậm chí có những mẹ mất đến 4-5 người con”.

Nhà Vuông vốn gắn liền với công cuộc khai hoang, lập làng của cư dân người Việt, là nơi thờ phụng Tiên sư, sinh hoạt cộng đồng. Nhà vuông còn được gọi là điếm canh, nơi canh gác, giữ gìn an ninh, trật tự của xóm làng. Theo minh điều hương ước do vua Tự Đức ban hành năm 1852, mỗi làng xã phải có một ngôi đình và một kỳ hậu (ở Nam Bộ gọi kỳ hậu là nhà ruộng, nhà võ tức quán canh hay điếm canh). Nhà vuông thường có kết cấu tứ trụ, một gian hai chái bình đồ hình vuông nên gọi là nhà vuông. Ban đầu, nhà vuông được xây dựng bằng vật liệu thô sơ, về sau khi đời sống kinh tế tốt hơn thì nhà vuông được xây bằng vật liệu bán kiên cố.

Trước kia, Nhà Vuông ở ấp Bình Nam tọa lạc gần ngã tư Kỳ Son, đến năm 1905 được dời về vị trí hiện nay. Vào ngày mùng 6-3 Âm lịch, người dân trong vùng cùng nhau đóng góp lễ vật cúng tế Tiên sư tại Nhà Vuông.

Từ khi được thành lập đến nay, Nhà Vuông vẫn là địa điểm tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Trước năm 1975, cạnh Nhà Vuông có trường tiểu học dạy từ lớp 1 đến lớp 3, đây cũng là nơi mở các lớp xóa mù chữ cho người dân sau chiến tranh, nhờ vậy mà nhiều nông dân ở địa phương biết đọc, biết viết. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền nhân dân đầu tiên của xã Bình Lập chọn Nhà Vuông tổ chức ra mắt và đặt trụ sở hoạt động. Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, Nhà Vuông được Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Bình Lập chọn làm nơi hoạt động trước khi giặc Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng các vùng ven của tỉnh lỵ.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Nhà Vuông dù không còn là trụ sở của chính quyền cách mạng nhưng cờ, truyền đơn cách mạng vẫn thường xuyên xuất hiện cùng với sự đấu tranh của nhân dân ấp Bình Nam.

Năm 1992, Chi bộ và nhân dân ấp Bình Nam chỉnh trang, tu sửa Nhà Vuông, lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ trong ấp. Kể từ đó, Nhà Vuông trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội của người dân ấp Bình Nam. Hiện nay, Nhà Vuông cũng là nơi tổ chức sinh hoạt chi bộ, kết nạp đảng viên, hội họp của các đoàn thể và tổ chức một số hoạt động trong ấp,...

Theo thông tin trong hồ sơ của Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Nhà Vuông ở ấp Bình Nam là di tích duy nhất của loại hình nhà vuông còn tồn tại trên đất Long An.

Tiếp nối truyền thống

Ngày nay, trong khuôn viên Nhà Vuông có bia ghi danh các liệt sĩ trong ấp, các liệt sĩ của những địa phương khác hy sinh tại ấp và tên các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong ấp đã mất. Theo ông Trần Văn Xanh, ngoài ngày cúng Tiên sư, từ sau năm 1975, mỗi năm, vào ngày 27/7, Chi bộ và người dân trong ấp chung tay tổ chức lễ giỗ liệt sĩ. “Mỗi lần đến ngày 27/7, người dân địa phương, người góp công, người góp của cùng nhau tổ chức lễ giỗ liệt sĩ tại Nhà Vuông. Cũng vào ngày đó, Chi hội Khuyến học ấp phối hợp các đoàn thể, cùng Chi bộ tặng quà cho học sinh giỏi trên địa bàn ấp. Các cháu được nhận quà gồm tập, dụng cụ học tập và tiền mặt. Chúng tôi chọn ngày trao quà là 27/7 tại Nhà Vuông nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để các cháu biết về lễ giỗ liệt sĩ, di tích lịch sử tại địa phương, hiểu và tri ân công lao của thế hệ cha anh” - ông Trần Văn Xanh cho biết.

Chi bộ, ban ấp Bình Nam (xã Bình Tâm, TP.Tân An) trồng hoa dọc đường Vành đai TP.Tân An

Chi bộ, ban ấp Bình Nam (xã Bình Tâm, TP.Tân An) trồng hoa dọc đường Vành đai TP.Tân An

Tiếp nối truyền thống người đi trước, ngày nay, Chi bộ và người dân Bình Nam chung tay xây dựng địa phương. 100% đường ấp được bêtông hóa, nhựa hóa, có 2 tuyến đường mang tên liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng trong ấp. 80% đường ấp được thắp sáng, trồng hoa dọc 2 bên. Từ đầu năm 2024 đến nay, bằng kinh phí xã hội hóa, ấp Bình Nam có thêm 5 tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng với tổng chiều dài 3km và trồng hoa trên tuyến đường dọc kênh Ba Thường, đoạn từ đường Nguyễn Thị Lê đến đường Vành đai TP.Tân An.

Ông Trần Văn Xanh cho biết thêm: "Người dân trong ấp sẵn sàng tham gia góp công, góp của để làm đẹp địa phương". Riêng ông Xanh cũng không ít lần đóng góp kinh phí lắp đặt đèn thắp sáng và trồng cây dọc một số tuyến đường trong ấp. Ông Xanh chia sẻ: “Bình Nam vốn là vùng đất giàu truyền thống. Thế hệ cha anh đã cống hiến mà không tiếc tuổi thanh xuân thì việc tiếp nối truyền thống là điều nên làm”./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nha-vuong-ap-binh-nam-noi-gan-ket-cong-dong-a179601.html