Nhà xuất khẩu Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản vắng bóng khách Mỹ
Nhiều chủ nhà máy xuất khẩu ở Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống khách hàng ở Mỹ ngày càng thưa thớt do tác động từ chính sách thuế quan nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khách hàng nước ngoài tham dự Hội chợ Canton ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc hôm 14-4. Ảnh: Xinhua
Hơn hai thập niên qua, doanh nhân Trung Quốc Sandy Zeng đã xây dựng một đế chế kinh doanh cung cấp bát ăn và đồ chơi thú cưng cho các gia đình Mỹ. Nhưng giờ đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông buộc phải nhìn xa hơn.
“Thị trường sản phẩm chăm sóc thú cưng châu Á đang bùng nổ. Chúng tôi chỉ cần điều chỉnh thiết kế sản phẩm một chút là ổn”, Zeng chia sẻ tại gian hàng công ty ông ở Hội chợ Canton, sự kiện triển lãm thương mại lớn nhất Trung Quốc vừa diễn ra ở thành phố Quảng Châu.
Tâm lý của Zeng phản ánh xu hướng chung của các chủ nhà máy xuất khẩu ởTrung Quốc, những người đang chuẩn bị tinh thần cho một tương lai ít khách hàng Mỹ hơn.
Khi cuộc chiến thương mại mới nhất bùng lên, đơn hàng từ Mỹ cạn dần, buộc các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường mới. Tại Hội chợ Canton, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã phát tín hiệu sẽ đa dạng hóa thị trường, nhắm đến các khu vực như Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu và Nam Mỹ .
Dù Bắc Kinh và Washington đang chuẩn bị đàm phán để xoa dịu căng thẳng thuế quan, tâm lý hoài nghi vẫn bao trùm. Các chủ nhà nhà máy Trung Quốc không tin hai nước có thể đạt một thỏa thuận có thể giúp ngăn chặn sự gián đoạn lớn trong hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump đẩy thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc lên tới 145% hồi đầu tháng Tư.
“Chúng tôi ủng hộ Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn với các chiến thuật thương mại của ông Trump”, Albert Zhai, đại diện của Liaoning Aroma International Trade, công ty từng xuất 80% hàng hóa phục vụ lễ hội hóa trang Halloween sang Mỹ tuyên bố. Hiện tại, ông chuyển hướng xuất khẩu sang châu Âu và Nam Mỹ sau khi chứng kiến thị phần đơn hàng từ Mỹ giảm mạnh trong những năm qua.
Nhưng việc tìm thị trường mới nói thì dễ hơn làm. Do lo ngại làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc, nhiều nước đang dựng lên các rào cản bảo hộ. Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chịu tổn thương. Các nhà máy của Trung Quốc ghi nhận mức suy giảm hoạt động trong tháng trước mạnh nhất kể từ 2023, với đơn hàng xuất khẩu mới chạm đáy kể từ 2022.
Kế hoạch mở rộng sản xuất ra nước ngoài, như ở Campuchia, cũng bị đình trệ vì bất ổn khi nước này đối mặt với mức đối ứng 49% của Mỹ.
“Chúng tôi đã mua đất ở Campuchia và bắt đầu xây dựng nhà máy. Nhưng vì thuế quan và chính sách thương mại của Mỹ thay đổi liên tục, chúng tôi giờ chỉ cho thuê các cơ sở sản xuất này”, Roe Yuan, giám đốc xuất khẩu Zhuguang Group, công ty chuyên về đèn Giáng sinh nói.
Do bị tổn thương bởi chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump, công ty đã quyết định từ bỏ hoạt động kinh doanh với khách hàng Mỹ.
“Giờ có khách Mỹ đặt đơn hàng, chúng tôi cũng chẳng muốn nhận” Roe Yuan nói.
Tại Hội chợ Canton, khách Mỹ vắng bóng, nhưng không khí vẫn sôi động với lượng khách từ các nước thuộc khối các nền kinh tế mới nổi BRICS như Nga và Ấn Độ tăng 24% và từ các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường tăng 17%. Khách Trung Đông và châu Phi cũng đổ xô đế hội chợ.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi dự kiến sẽ phát triển tốt hơn ở Trung Đông, nơi mọi người giàu có hơn và có sức mua cao. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để bán hàng trong nước”, Kim Chong Chim, giám đốc điều hành của Stechcol Ceramic Crafts Development, công ty sản xuất đồ gốm tinh xảo cho biết.
Đông Nam Á giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Khu vực này cung cấp không gian lớn cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên gới của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, theo Guochen Du, giám độc Viện Nghiên cứu thương mại điện tử thuộc Bộ thương mại Trung Quốc.
Yuan Li, phó tổng giám đốc của công ty gốm Guangdong Songfa Ceramics cho biết, khoảng trống doanh số bán hàng sang Mỹ Kỳ có thể sẽ được lấp đầy nhờ châu Âu và một số thị trường mới nổi.
Đồng nhân dân tệ yếu đi, chạm mức thấp nhất kể từ 2020 so với một rổ ngoại tệ mạnh, càng giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc dễ dàng chinh phục thị trường mới.
Theo Bloomberg