Thị trường tài chính 24h: Giá Bitcoin tiếp tục tăng cao
VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng chủ động ứng phó với biến động thuế quan; Tiếp thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán; Mặt bằng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết cao nhất kể từ năm 2018…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 9/5 giảm 1 triệu đồng/lượng với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay tăng trở lại 2 triệu đồng/lượng, hiện đứng ở mức 119,50 – 121,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 59,9 USD xuống mức 3.304,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên 3.320 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,40 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.951 đồng/USD, tăng 24 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.760 – 26.150 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ gần 97.000 USD lên 101.200 USD, thì sang ngày hôm nay tiếp tục tăng và lên trên 104.000 USD, trước khi lùi về 102.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,90 USD (+1,50%), lên 60,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,89 USD (+1,42%), lên 63,77 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Sau những phút đầu mở cửa tăng điểm, thị trường nhanh chóng đảo chiều về tham chiếu và giằng co, rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên, trong bối cảnh giao dịch phân hóa khi số mã tăng giảm trên bảng điện tử khá cân bằng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/5: VN-Index giảm 2,5 điểm (-0,2%), xuống 1.267,3 điểm; HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,5%), xuống 214,13 điểm; UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,45%), lên 93,4 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Năm (8/5), khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh.
Theo thỏa thuận, Anh đã đồng ý giảm thuế từ 5,1% xuống 1,8%, và sẽ đẩy nhanh quy trình thông quan cho hàng hóa Mỹ và giảm rào cản đối với hàng xuất khẩu nông nghiệp, hóa chất, năng lượng và công nghiệp. Trong khi đó, mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Anh vào Mỹ vẫn được áp dụng.
Kết thúc phiên 8/5: Chỉ số Dow Jones tăng 254,48 điểm (+0,62%), lên 41.368,45 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,66 điểm (+0,58%), lên 5.663,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 189,98 điểm (+1,07%), lên 17.928,14 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng, khi tâm lý giới đầu tư được nâng đỡ nhờ tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,56% lên 37.503,33 và tăng 1,82% hàng tuần. Chỉ số Topix tăng 1,29% lên 2.733,49 điểm và ghi nhận phiên tăng thứ 11 liên tiếp, chuỗi tăng tốt nhất kể từ tháng 10/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm thứ Năm đã công bố một thỏa thuận thương mại song phương với những bước đầu được cả hai phía ghi nhận tích cực.
Thị trường hiện đang chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán thương mại sơ bộ Mỹ-Trung sẽ bắt đầu vào thứ Bảy tại Thụy Sĩ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả khi dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại ở mức cao trong tháng 4 vừa qua.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 3.342,00 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,17% xuống 3.846,16 điểm.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ trong tháng 4, trong khi nhập khẩu chậm lại.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh 21% trong tháng 4, nhưng lại tăng vọt ở các khu vực khác. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này vẫn tăng 8,1%.
Trong khi đó, nhập khẩu giảm 0,2%. Vì vậy, Trung Quốc thặng dư thương mại tới 96 tỷ USD trong tháng 4/2025.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi có tin tức rằng Mỹ có thể cắt giảm đáng kể thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại tại Geneva vào cuối tuần.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,32% lên 22.848,50 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,03% lên 8.303,01 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi áp lực chốt lời gia tăng sau đợt hồi phục gần đây.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,21 điểm, tương đương 0,08% xuống 2.577,27 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, SK Hynix giảm nhẹ, trong khi LG Energy Solutions mất 2,9% và KB Financial giảm 2,7%.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu nhà sản xuất thép Korea Zinc đã tăng 7,2% sau khi công bố kế hoạch hủy hơn 2 triệu cổ phiếu quỹ trị giá 1,82 nghìn tỷ won để tăng giá trị cho cổ đông.
Kết thúc phiên 9/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 574,70 điểm (+1,56%), lên 37.503,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,00 điểm (-0,30%), xuống 3.342,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 91,82 điểm (+0,40%), lên 22.867,74 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 2,21 điểm (-0,08%), xuống 2.577,27 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng chủ động ứng phó với biến động thuế quan
Là đối tượng chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các ngân hàng đã sớm tính toán các kịch bản ứng phó. Những thông tin này được lãnh đạo các nhà băng minh bạch tới cổ đông, giới đầu tư..>> Chi tiết
- Tiếp thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán
Loạt phương án đưa cổ phiếu lên sàn và kế hoạch thoái vốn nhà nước được dự kiến thực hiện trong năm 2025. Có thêm “hàng hóa” mới là nền tảng để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hấp thụ dòng vốn khi được nâng hạng trong tương lai..>> Chi tiết
- Mặt bằng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết cao nhất kể từ năm 2018
Quý I/2025 đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tăng trưởng dương, đưa mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất kể từ năm 2018..>> Chi tiết