Nhạc Ngũ âm trong đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Nhạc Ngũ âm là nét riêng của cộng đồng dân tộc Khmer. Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.
Tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, diễn ra từ ngày 9 - 15/11/2024, ngoài các hoạt động như: Giải đua ghe Ngo; Lễ cúng trăng; Hội thi Lôiprotip (thả đèn nước), trình diễn ghe Cà Hâu... một điểm nhấn tạo sự quan tâm của du khách là trình diễn nhạc Ngũ âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Sóc Trăng là 1 trong 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nằm ở hạ du sông Hậu, cùng với những đặc trưng chung của vùng đất Nam bộ về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, Sóc Trăng có những đặc điểm riêng về văn hóa lễ hội, phong tục tập quán, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, nhạc Ngũ âm là nét riêng của cộng đồng dân tộc Khmer. Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.
Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ, tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, như: Campuchia, Thái Lan...
Sau đó, nhạc Ngũ âm được lưu truyền vào nền văn hóa Khmer Nam bộ ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, qua ký ức văn hóa và dòng chảy thời gian, bên cạnh những yếu tố ngoại sinh được tiếp thu và duy trì, người Khmer ở Việt Nam nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng cũng đã có sự dung hòa, tiếp biến cho phù hợp với tính cách ứng xử vào phong tục, tập quán của dân tộc mình. Một mặt tạo nên tính tương đồng trên nhiều khía cạnh của loại hình nhạc Ngũ âm với đặc điểm âm nhạc của một số quốc gia láng giềng, một số dân tộc anh em trong nước, nhưng mặt khác, cũng luôn khẳng định được những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của con người và vùng đất này.
Theo giảng viên Dương Chí Dũng, Khoa Văn hóa - Du lịch (Trường Cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng), nghệ thuật âm nhạc Ngũ âm Khmer là vốn di sản văn hóa quý giá có từ lâu đời của cộng đồng người Khmer Nam bộ. Nghệ thuật âm nhạc Ngũ âm Khmer Nam bộ đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của các nghi lễ phong tục theo vòng đời người; lễ hội truyền thống; lễ nghi phong tục tín ngưỡng tôn giáo; lễ nghi phong tục tín ngưỡng dân gian của người Khmer Nam bộ. Đặc biệt, những giá trị văn hóa âm nhạc dân gian, truyền thống sử dụng trong dàn nhạc Ngũ âm đã được chứng minh thông qua các nghệ nhân của nhiều thế hệ biểu diễn bằng trí tuệ, tài năng sáng tạo góp phần cho sự phát triển văn hóa âm nhạc của dân tộc theo chiều dài lịch sử.
Giảng viên Dương Chí Dũng chia sẻ, về nguồn gốc, dàn nhạc Ngũ âm còn có tên gọi dàn nhạc Pin Peat. Sở dĩ có tên gọi là Pin Peat là do sự hợp nhất giữa đàn Pin, có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ (Bà La Môn giáo) kết hợp với nhạc cụ bản địa của người Khmer. Về biên chế dàn nhạc gồm có: Peat (có 8 hoặc 9 quả cồng), Khse Đieu (đàn dây gẩy), Sro lay (kèn), Skuo Thom (trống lớn), Skuo Chey (trống chiến), Skuo Sompho (trống Sompho). Với hai dàn nhạc như trên, người Khmer có sự sáng tạo kết hợp dàn nhạc Pin và dàn nhạc Peat (kuong peat) lại với nhau thành một dàn nhạc nên có tên gọi là dàn nhạc Pin Peat.
“Dàn nhạc Ngũ âm chính quy được chia ra làm 2 loại: Dàn nhạc trống lớn và dàn nhạc trống nhỏ và vẫn được giữ nguyên vẹn các loại nhạc cụ trong biên chế chính thức của từng loại, không được phép thêm bớt bất cứ loại nhạc cụ nào. Có vài nơi, khi hòa nhạc, người ta có thể bớt nhạc cụ nào đó do thiếu nhạc công diễn tấu, nhưng không thể thiếu nhạc cụ chủ đạo của dàn nhạc Pin Peat, đó là Roneat Ek”, giảng viên Dương Chí Dũng cho biết thêm.
Nghệ thuật âm nhạc Ngũ âm có vai trò dẫn dắt, liên kết các nghi thức trong buổi lễ, làm tăng thêm tính trang nghiêm cho buổi lễ. Vai trò quan trọng nhất của âm nhạc Ngũ âm được xem là một trong những ngôn ngữ giao tiếp giữa con người với thần linh. Sự gắn bó mật thiết giữa âm nhạc và nghi lễ thể hiện trong mối quan hệ giữa âm nhạc và tâm linh con người, cho nên nó mang yếu tố triết lý của con người và mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của tộc người.
Trong thực hành nghi lễ, âm nhạc thể hiện chức năng điều phối quy trình hành lễ và là tín hiệu thông báo cho cộng đồng Phật tử. Tiếng nhạc Ngũ âm vang lên tại các ngôi chùa Khmer nhằm để báo hiệu cho Phật tử trong phum sóc biết được đã đến ngày tổ chức các nghi lễ tôn giáo… Với những tín hiệu bằng âm nhạc như vậy, có thể giúp cho cộng đồng Phật tử Khmer phân biệt được các nội dung, hình thức nghi lễ thông qua cách thể hiện bài bản âm nhạc Ngũ âm khác nhau.
Theo giảng viên Dương Chí Dũng, hệ thống bài bản âm nhạc trong các phong tục, lễ nghi của người Khmer ở Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú, như: bài bản âm nhạc lễ cưới; bài bản âm nhạc Arak; bài bản âm nhạc Mohori… Âm nhạc phục vụ trong các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer ở Sóc Trăng do dàn nhạc Pin Peat (dàn nhạc Ngũ âm) đảm trách và đều sử dụng bài bản âm nhạc tôn giáo.
Các nghi lễ tín ngưỡng bao gồm các lễ: Lễ Ban hành giáo lý (Bon Mek Bôchea); Lễ Phật đản (Bon Pisak Bôchea); Lễ xuống trần hay lễ Hạ giới (Bon Asốth Bôchea); Lễ an vị tượng Phật (Bon Puth thia Phisek); Lễ Nhập hạ (Bon Chôl Vôsa); Lễ Xuất hạ (Bon Ching Vôsa); Lễ dâng y cà sa (Bon Kathin - nă tean); Lễ dâng bông (Bon Phka); Lễ Kiết giới (Bon Bonh chôs Sây ma). Những nghi thức lễ trên, đa số người Khmer đều sử dụng âm nhạc Ngũ âm diễn tấu để phục vụ cho từng nghi lễ.
Nhạc Ngũ âm của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã biểu hiện một giá trị văn hóa cao trong kho tàng âm nhạc tôn giáo đã được dân gian hóa, là một loại hình nghệ thuật âm nhạc trình diễn mang tính nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của người Khmer. Nhạc Ngũ âm gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người dân Khmer, tạo ra sự kết nối cộng đồng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng bền chặt; kết nối và neo giữ nhân sinh quan, thế giới quan của mình với những giá trị cội nguồn, gốc rễ và bản sắc tộc người.
Nhạc Ngũ âm là minh chứng mang tính tiêu biểu về mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa người Khmer với các quốc gia và dân tộc xung quanh trong suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của mình; đóng góp vào bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc của tộc người Khmer nói chung và văn hóa của cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Nhạc Ngũ âm của người Khmer phản ánh sự tiếp biến và dung hòa với môi trường và tính cách của tộc người so với sự chặt chẽ, chuẩn mực, khuôn mẫu của nhạc Ngũ âm ở Campuchia.
Với giá trị tiêu biểu, Nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4602/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019. Và tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần VHTT&DL Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sắp tới, sẽ có hoạt động tổ chức xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc Ngũ âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, quy mô lớn nhất Việt Nam.