Nhận biết và phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và đẩy nhanh quá trình biến tính thực phẩm, từ đó, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Do vậy, nếu không hiểu biết và tuân thủ các quy định trong các khâu bảo quản, chế biến thực phẩm một cách nghiêm ngặt đều có thể gây hại đến sức khỏe của người sử dụng.

Tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Trong mùa hè, thực phẩm, nhất là loại có nhiều đạm (nguồn gốc động vật: thịt, thủy hải sản, sữa, trứng...) nếu không được bảo quản và chế biến đúng cách sẽ có nguy cơ gây ngộ độc rất cao do nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật (vi khuẩn, nấm) phát triển. Nhiệt độ cao cũng làm thực phẩm bị phân hủy nhanh hơn, các quá trình này đều sinh ra lượng lớn các độc tố, hơn nữa nhiều độc tố có khả năng chịu nhiệt cao nên nấu chín cũng không có tác dụng và vẫn có khả năng gây bệnh.
Ngộ độc thực phẩm thường hay gặp trong mùa hè, có thể có nhiều người cùng mắc trong một gia đình hoặc trong một bữa tiệc, do ăn chung các loại thức ăn bị ô nhiễm. Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất, chứa độc tố tự nhiên, bị biến chất, bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh làm cho thực phẩm bị ôi, thiu. Nhiều nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhiều người vẫn phải nấu thức ăn với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc chế biến trong môi trường không đảm bảo vệ sinh… dễ dẫn đến tiêu chảy và ngộ độc thức ăn. Chính vì thế, môi trường ô nhiễm, nước thải sinh hoạt kém là điều kiện thuận lợi cho virus xuất hiện và gây bệnh.
Những triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm
Đa số bệnh nhân bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm thường có một trong những triệu chứng điển hình về đường tiêu hóa, như: Đột nhiên buồn nôn, nôn, khó chịu; đau bụng, đi ngoài phân lỏng... những triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc vài ngày, có khi kèm theo sốt cao, lạnh run, nếu ngộ đốc kéo dài dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết.
Biểu hiện ngộ độc nặng là khi người bệnh có biểu hiện khát nước nhiều, khô môi, mắt trũng, da nhăn nheo, giọng nói yếu, tay chân lạnh, mạch nhanh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, sốt cao kéo dài… thì nên đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử lý kịp thời. Lý do khiến cho bệnh trở nên nặng nề là do tình trạng mất nước, chất điện giải và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có đầy đủ nhãn ghi thành phần, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng sử dụng của sản phẩm. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Thực hiện “ăn chín, uống sôi”, bảo đảm vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh.
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm để tự bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống cần nêu cao trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Cách xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, tránh tình trạng bệnh nặng hơn, gây ra nhiều nguy hiểm và có thể tử vong.
Đối với trường hợp ngộ độc nhẹ, điều trị tại nhà cần duy trì việc ăn uống trong lúc tiêu chảy, vì sẽ làm giảm nhanh các rối loạn hấp thu ruột do nhiễm trùng, rút ngắn thời gian tiêu chảy, phòng tránh được tình trạng suy dinh dưỡng.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.