Nhận diện khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới ở Hà Tĩnh
Hà Tĩnh được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong xây dựng Nông thôn mới (NTM). Bên cạnh những chuyển biến rõ nét, đáng ghi nhận, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đây cũng xuất hiện những bất cập, khó khăn đòi hỏi các cấp chính quyền có sự nhìn nhận khách quan, trong đó chú trọng phát hiện và giải quyết sớm các vướng mắc phát sinh để đưa nhiệm vụ xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững.
Vận động cứng nhắc!
Cuối những ngày tháng 7/2018, thôn Vĩnh Gia, xã Song Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bỗng nhiên náo nhiệt. Vấn đề huy động nguồn lực xây dựng NTM trở thành câu chuyện thời sự được người dân bàn tán, thắc mắc một cách công khai.
Theo phản ánh của bà con, thời gian qua, UBND xã, ban cán sự thôn đã đưa ra chủ trương huy động mỗi nhân khẩu 500.000 đ/năm để xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Chủ trương huy động sức dân xây dựng NTM nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của người dân.
Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương đưa ra mức thu đánh đồng theo đầu người, kể cả với cả trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ.
Theo ông Hoàng Bính (thôn Vĩnh Gia, xã Song Lộc), trong 2 năm gần đây, ngoài khoản đóng nộp ngân sách và các loại quỹ theo quy định, mỗi khẩu ở đây còn phải đóng thêm 500 ngàn đồng để xây dựng NTM và mỗi khẩu phải đóng thêm 50 ngàn đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn. Ở xã, đối tượng đóng nộp là từ 1 tuổi đến 59 tuổi, còn ở thôn thì cứ có tên trong sổ hộ khẩu cho đến 59 tuổi là phải đóng, kể cả trẻ sơ sinh và hộ nghèo.
Chủ tịch UBND xã Song Lộc, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, là địa phương thuần nông, có địa hình trải rộng ở khu vực thấp trũng nên vấn đề xây dựng hạ tầng dân sinh gặp rất nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, năm 2018, Song Lộc phấn đấu đạt chuẩn NTM, quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương đã đưa ra chủ trương vận động người dân đóng góp xây dựng NTM. Tuy nhiên, do nghiên cứu chưa đầy đủ các văn bản hướng dẫn và quy trình vận động nên xảy ra tình trạng thu sai đối tượng, sai quy định. Sai sót này là bài học trong huy động sức dân. Theo chỉ đạo của huyện, xã đã tổ chức họp, thống nhất hoàn trả lại 119,7 triệu đồng thu sai của 399 khẩu/277 hộ dân.
Tương tự thôn Vĩnh Gia, sau khi thực hiện các khoản đóng góp theo quy định, từ năm 2015 đến nay, mỗi nhân khẩu ở thôn Tân Mỹ, xã Trung Lộc (Can Lộc) đã đóng nộp 2,5 triệu đồng để xây dựng NTM.
Theo trưởng thôn Tân Mỹ là ông Trần Ất, vì đây là các khoản đóng nộp do thôn thu để xây dựng các công trình phúc lợi nên ngoài đối tượng bảo trợ xã hội, tất cả nhân khẩu trong thôn, từ trẻ em sơ sinh đến người già, gia đình chính sách, hộ nghèo đều có nghĩa vụ đóng nộp như nhau.
Qua tìm hiểu, được biết, ngoài các khoản đóng góp tại thôn, hàng năm xã Trung Lộc còn thu mỗi khẩu 200 ngàn đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng khác.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, ông Phạm Viết Hội, khác với việc vận động thu ở các thôn, xã chỉ thu các khẩu từ 1 tuổi đến 60 tuổi!?, còn các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ đều được miễn trừ.
“Công tác giám sát vận động thu chi ở các thôn đều được thực hiện một cách thường xuyên, tuy nhiên do nguồn lực huy động có hạn trong khi khối lượng công việc còn nhiều nên ở các thôn đã xảy ra tình trạng thu cào bằng, sai đối tượng. Thời gian tới, địa phương sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh hợp lý”, ông Phạm Viết Hội nói.
Qua tìm hiểu thực tế tại Hà Tĩnh được biết, ngoài huyện Can Lộc, việc huy động sai đối tượng trong xây dựng NTM còn diễn ra ở một số địa phương khác trên địa bàn và đây không phải lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra ở đây.
Xử lý nợ đọng có khả thi?
Xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) thuộc nhóm xã được công nhận đạt chuẩn NTM sớm ở Hà Tĩnh. Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, Nguyễn Duy Bính, do đặc thù của xã nằm trung tâm huyện Lộc Hà nên quá trình xây dựng NTM, ngoài việc đáp ứng quy định đạt chuẩn bộ NTM, các tiêu chí xây dựng ở đây phải tiệm cận xu thế phát triển đô thị trong tương lai. Vì vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây được xây dựng với quy mô, tổng mức đầu tư lớn hơn các địa phương khác.
Theo thống kê, tính đến năm 2014, xã Thạch Bằng đã huy động khoảng 160 tỷ đồng để hoàn thành khối lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM. Tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn, địa phương này còn nợ hơn 30 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản. Tính đến năm 2016 số nợ xây dựng cơ bản của địa phương giảm xuống còn 18 tỷ đồng.
“Nguồn trả nợ của địa phương chủ yếu trông chờ vào quỹ đất. Tuy nhiên, từ tháng 7/2016 đến nay, việc quy hoạch, bán đấu giá đất trên địa bàn đều do huyện làm chủ đầu tư, tỷ lệ thụ hưởng của xã rất thấp nên địa phương chưa tìm ra phương án, lộ trình trả nợ”. Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng cho biết.
Theo tìm hiểu, trước những khó khăn của địa phương, năm 2017, UBND huyện Lộc Hà đã hỗ trợ Thạch Bằng 10 tỷ đồng giải quyết nợ xây dựng cơ bản. Số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại của địa phương hiện nay cũng đang trông chờ vào nguồn hỗ trợ của huyện.
Tuy nhiên, từ số liệu từ Văn phòng điều phối NTM huyện Lộc Hà cho thấy, tổng số nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của các xã trên địa bàn tính đến thời điểm 30/6/2018 là 37,08 tỷ đồng. Vì vậy, với điều kiện nguồn lực như hiện nay, huyện Lộc Hà sẽ rất khó hỗ trợ Thạch Bằng giải quyết nợ đọng trong một sớm, một chiều.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các địa phương ở Hà Tĩnh, với xuất phát điểm thấp, kinh tế vùng nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực đầu tư công ngày càng hạn chế nhưng khối lượng công việc cần hoàn thành để đạt chuẩn NTM tại các địa phương rất lớn. Vì vậy, quá trình xây dựng NTM tại đây sẽ khó tránh khỏi nợ đọng xây dựng cơ bản. Vấn đề cốt yếu là phải có sự nhìn nhận thấu đáo để cân đối nguồn lực, xây dựng phương án và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng.
Tuy vậy, khác với cách nhìn nhận của các địa phương, tại báo cáo về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh gửi ra các Bộ, ngành Trung ương ngày 12/4/2018 được biết, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Hà Tĩnh chỉ còn hơn 36,3 tỷ đồng. Đặc biệt, có 5 địa phương (Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Vũ Quang) đã giải quyết xong vấn đề nợ đọng trong xây dựng NTM?.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, số nợ đọng của các đơn vị này đều nằm ở ngưỡng hàng chục tỷ đồng/huyện. Hoặc đơn cử như theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 30/6/2018, số nợ đọng trong xây dựng NTM của Lộc Hà là 651 triệu đồng, trong khi đó, số liệu thống kê từ huyện Lộc Hà cho thấy, địa phương này đang còn nợ 37,08 tỷ đồng.
Đem số liệu báo tình hình nợ đọng xây dựng của tỉnh so sánh với tình hình thực tế tại các địa phương, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều cho rằng số liệu trên thiếu chính xác và chưa đầy đủ.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh (Đơn vị tổng hợp báo cáo) Trần Tú Anh khẳng định, thực tế nguồn lực hiện nay ở các địa phương nếu không nợ thì lấy đâu ra nguồn để làm. Riêng chương trình MTQG xây dựng NTM đã có nguồn vốn hàng năm, nếu các địa phương làm nhiều hơn nguồn vốn, danh mục được giao mà không bố trí được nguồn trả mới gọi là nợ, còn những công trình, hạng mục xây dựng không nằm trong chương trình của nó mà phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì không thể gọi là nợ trong xây dựng NTM.
Trần Phong - Ngô Tuấn