Nhận diện, loại trừ các nhóm xấu, độc trên mạng xã hội
Không khó bắt gặp các hội nhóm độc hại trên mạng xã hội mà ở đó người dùng chia sẻ, hướng dẫn, rủ rê nhau những việc không tốt đẹp, thậm chí phạm pháp.
Lập nhóm, tham gia nhóm mạng xã hội cũng chỉ cần vài cú nhấp chuột. Việc này đang là mối nguy tiềm tàng cho xã hội. Nhận diện, ngăn chặn và xóa bỏ các nhóm xấu độc này bằng cách nào? PV VOV Giao thông có cuộc đối thoại với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
PV: Trước thực trạng nhiều hội nhóm xấu, độc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, và ai cũng sẵn trên tay từ một đến nhiều điện thoại thông minh, ông có lo ngại gì?
Ông Vũ Thế Bình: Hiện nay đang xuất hiện rất nhiều các nhóm trên mạng xã hội khác nhau, mà trong đó rủ rê nhau làm những việc sai trái, có thể tạo ra rất nhiều rủi ro nguy hiểm, đặc biệt là cho các bạn trẻ.
Chúng tôi nghĩ rằng chuyện này thì thứ nhất là về mặt tự nhiên của mạng internet khá là dễ hiểu. Thứ hai là trên cơ sở sự phổ biến của công cụ cũng như chi phí truy cập mạng internet của Việt Nam rất là rẻ. Đồng thời kiến thức hay giáo dục về kỹ năng số cho nhiều nhóm người dùng chưa được quan tâm tốt.
Cho nên hiện tượng này chúng tôi quan sát thấy càng ngày có diễn biến đáng lo ngại và càng ngày càng phổ biến. Chúng tôi ở khía cạnh của những người hoạt động trong lĩnh vực Internet và tổ chức xã hội nghề nghiệp thì cũng thấy đáng quan tâm.
PV: Như vậy, chúng ta cần tìm ra cách để nhận diện, ngăn chặn và loại bỏ các hội nhóm độc hại này. Khuyến nghị của ông là gì?
Ông Vũ Thế Bình: Hoạt động xấu độc ở trên các mạng xã hội từ những nền tảng lớn đến những loại hình nhỏ, các nhóm tin tức thì việc loại bỏ hoàn toàn từ phía cơ quan chức năng rất là khó khăn. Bởi vì nó rất nhiều và hệ thống cơ quan chức năng không thể nào bao quát hết để mà loại bỏ hết. Tuy nhiên cần có cách thức phối hợp. Một là từ người dùng. Hai là ở phía nhà cung cấp dịch vụ và ba là các cơ quan quản lý nhà nước.
Điểm mấu chốt chính là kỹ năng của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Đấy mới là căn cơ khi mà người dùng internet có được cái mà chúng ta tạm gọi vaccine số, có kỹ năng để phòng ngừa, tự quản lý, tự quản trị. Điểm thứ hai là trách nhiệm của các mạng xã hội, những mạng xã hội lớn thì họ đều có những hệ thống và quy tắc quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, có một số ứng dụng hay một số mạng xã hội chưa có đại diện ở Việt Nam, hoặc chưa có cách thức quản trị rủi ro, thì chúng tôi nghĩ đấy là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Bộ TT-TT cũng đưa ra những chính sách, những trung tâm hỗ trợ giúp người người dùng internet khi phát hiện ra vấn đề, nếu không tác động được tới các mạng xã hội thì có thể gửi thông tin và yêu cầu hỗ trợ tới các cơ quan liên quan của Bộ.
PV: Kinh nghiệm quốc tế nào có thể áp dụng cho Việt Nam trong việc quản lý các hoạt động trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung, xin ông cho biết?
Ông Vũ Thế Bình: Chúng tôi quan sát thấy rằng ít những nước nào họ để trẻ em được tiếp cận điện thoại thông minh để truy cập Internet thoải mái như ở Việt Nam. Ở những nước tiên tiến người ta có ý thức về tính riêng tư, về những nguy hại tiềm tàng khi để cho trẻ em hay những người mà mới, chưa có nhiều kỹ năng về Internet, mạng xã hội tiếp cận quá nhiều và quá sớm.
Thứ hai, về mặt luật pháp và các chế tài của các nước khác họ làm rất chặt, rất kỹ và khi họ đưa ra quy định chế tài thì các tay chơi trong hệ sinh thái Internet, đặc biệt là các mạng xã hội lớn phải tuân thủ. Ví dụ Liên minh Châu Âu đưa ra quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, tất cả các tập đoàn lớn toàn cầu đều phải tuân thủ và đương nhiên với các tập đoàn quản lý các mạng xã hội toàn cầu thì để họ tuân thủ cũng rất là tốn kém.”
PV: Xin cảm ơn ông!