Nhận diện 'sống ảo' và hồi chuông cảnh báo

Sống ảo trở thành hiện tượng phổ biến khi công nghệ và mạng xã hội ngày càng phát triển.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng của thế giới ảo thì tác hại của nó cũng rất lớn, lâu dài…

Nhận diện sống ảo

Những người sống ảo thường có xu hướng khoe khoang những thứ không thuộc về mình. Ngoài ra, họ còn tự tạo ra những thứ không có thật để thu hút sự chú ý, khen ngợi từ người khác. Thay vì trò chuyện, tương tác với bạn bè, những người đắm chìm trong sống ảo thường thích những lượt like, thả tim cho ảnh hoặc dòng trạng thái đầy tâm trạng của mình hơn.

Cô Nguyễn Thị Phương - Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ một vài biểu hiện của con trẻ thích sống ảo dễ nhận thấy.

Chụp ảnh ở bất cứ đâu

Một số bạn trẻ đi đâu chơi cũng thích chụp ảnh, có thể chụp từ lúc đi cho tới tận lúc về mà không hỏi han, nói chuyện với người đi cùng. Dù là đi ăn, dự đám cưới, đám tang, đi chùa hay thậm chí là vào nhà vệ sinh trong khách sạn… họ luôn cầm điện thoại để chụp ảnh, chỉnh sửa mất cả tiếng đồng hồ để đăng tải lên mạng xã hội.

Những gì nhóm này quan tâm chỉ có việc tấm ảnh của mình có đẹp hay không, được khen ngợi hay không, đổi lại, họ rất nhạy cảm và dễ nổi cáu, nếu như có ai đó chê bai hoặc có bình luận trái ý chủ nhân về bức ảnh.

Cuồng like

Hiện tượng này chính là biểu hiện vô cùng rõ nét của người thích sống ảo. Dù gặp chuyện vui hay buồn họ cũng chia sẻ và đăng tải trên mạng xã hội, sau đó để ý xem có bao nhiêu người like bài viết, hình ảnh của mình, và có bạn nào chưa like. Nhiều khi họ còn mượn máy của bạn bè để tự mình ấn like, thả tim cho hình ảnh và status của bản thân.

Luôn dính chặt lấy điện thoại

Với những người thích sống ảo, điện thoại gần như là vật bất ly thân, họ luôn thích để ý xem ai bình luận, ai thích ảnh của mình… Thậm chí, có thể hét lên sung sướng khi đọc được những bình luận đúng ý.

Hay khoe khoang

Những người sống ảo thường hay khoe khoang về những chuyến du lịch đắt tiền, món đồ xa xỉ, xe hơi đời mới… Mục đích nhằm thể hiện sự giàu sang và thành đạt của mình.

Ví dụ, hay đăng ảnh chụp sắm đồ hiệu hay chuyến du lịch sang chảnh ở nước ngoài. Và hơn hết là thích khoe những điều đó hơn là việc trải nghiệm hay hưởng thụ.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ thường đăng ảnh chụp chung với bảng điểm cao, bằng khen… cũng là một trong những biểu hiện của lối sống ảo. Bởi vì họ chưa ý thức được tác hại của việc chụp ảnh sống ảo nên thường khoe khoang về thành tích trong công việc, học tập lên mạng xã hội.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Khoe khoang về mối quan hệ tình cảm

Hiện tượng sống ảo còn thể hiện ở status, hình ảnh thể hiện tình cảm hạnh phúc, yêu đương để nhận được sự ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tỵ của người khác. Tần suất khoe khoang quá nhiều và liên tục có thể dẫn đến tác hại.

Tạo ra hình ảnh hoàn hảo

Thường xuyên lạm dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh và video để tạo ra ảnh đẹp hoàn hảo và đăng lên mạng xã hội. Đó cũng là một trong những biểu hiện của hiện tượng sống ảo.

Nguyên nhân sống ảo

Theo chuyên gia Lê Khánh Huyền - giảng viên Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, sống ảo ở con trẻ một phần là do sự thỏa mãn cá nhân.

Sống ảo cho phép tạo ra một “tấm chắn an toàn” trên mạng xã hội. Ở đó, bạn có thể lựa chọn những khía cạnh tốt nhất và tạo ra một phiên bản hoàn hảo, làm tăng sự thỏa mãn và tự tin về bản thân.

Tác hại của hiện tượng sống ảo xuất phát từ lâm lý muốn được ngưỡng mộ. Đa số mọi người có tâm lý muốn nhận được sự chú ý, ngưỡng mộ từ người khác. Vậy nên họ dùng mạng xã hội để thể hiện bản thân một cách hoàn hảo.

Bên cạnh đó, hoàn cảnh sống khiến cho nhiều trẻ bị thiếu thốn sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình và người thân. Trẻ đến mạng xã hội để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm từ những người khác, và chúng muốn có cảm giác được tham gia vào một cộng đồng trực tuyến và chia sẻ các mối quan hệ của mình. Hoặc xã hội phát triển sẽ kéo theo những áp lực về vật chất và tinh thần. Trẻ càng muốn thể hiện bản thân để chứng tỏ với mọi người xung quanh.

Theo cô Lê Khánh Huyền, tác hại của hiện tượng sống ảo có thể kéo cuộc sống của con trẻ đi xuống và dần xa rời với cuộc sống thực tế. Hậu quả dễ thấy nhất chính là ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tiêu tốn thời gian, tiền bạc. Điều này có thể khiến trẻ bị xao nhãng trong công việc, học tập ngoài đời thực hoặc có thể dẫn đến trầm cảm.

Sống ảo sẽ tác động tiêu cực đến cách nhận thức về bản thân và các giá trị thực xung quanh mình. Nếu luôn có cái nhìn ảo tưởng về cuộc sống, trẻ sẽ có xu hướng thực hiện những hành vi lệch lạc, gây tổn hại cho bản thân và người khác.

Ngoài ra, khi sống ảo trên mạng xã hội, con trẻ sẽ lo lắng nhiều hơn về hình ảnh bản thân ảo của mình thay vì hình ảnh con người thật sự. Chúng có xu hướng so sánh cuộc sống với người khác và không hài lòng về cuộc sống của mình. Điều này mang lại cảm giác thiếu tự tin, bất lực, lòng tự trọng thấp và sức khỏe tâm thần kém.

Nghiện cuộc sống ảo sẽ không có nhiều tương tác ngoài đời thực khi quá bận trên mạng xã hội. Điều này có thể dẫn đến con bị cô lập, suy giảm kết nối xã hội và cảm giác thu mình ngày càng tăng. Trẻ sẽ luôn cảm thấy cô đơn và xa cách với mọi người xung quanh.

Theo chuyên gia, các nền tảng truyền thông xã hội thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân để bán cho các công ty bên thứ ba hoặc được sử dụng cho mục đích quảng cáo. Điều này có thể khiến thông tin cá nhân và hình ảnh của trẻ bị chia sẻ rộng rãi. Hậu quả là rủi ro về an ninh, mất quyền riêng tư và ảnh hưởng xấu đến đời sống cá nhân.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-song-ao-va-hoi-chuong-canh-bao-post710714.html