'Nhân đôi đề kháng' bảo vệ trẻ trước dịch bệnh trái mùa
Thời gian qua, số trẻ mắc sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng, thủy đậu liên tục tăng, với nhiều trường hợp trở nặng. Diễn biến dịch bệnh trái mùa khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng về việc bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm khi bước vào năm học mới.
Dịch bệnh “trái mùa”, diễn biến bất thường
Trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (Viêm kết mạc cấp), tăng gấp đôi so với tháng 6. Tương tự, một tháng trở lại đây, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.
Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một tháng qua đã có khoảng 100 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều trường hợp tái mắc bệnh.
Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng báo cáo đã ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần trên địa bàn thành phố trong những tuần gần đây. Hà Nội cũng đã có gần 2.000 ca thủy đậu, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước diễn biến này, các chuyên gia lo ngại, thời điểm học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, nguy cơ bùng phát dịch lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Trưởng khoa Nhi, Đại học Y Hà Nội, sau 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, liên tục có các dịch về hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tiêu chảy…
“Bệnh hô hấp thường xảy ra khi thay đổi thời tiết thì hiện nay giữa mùa hè nắng nhiều nhưng trẻ vẫn bị bệnh hô hấp. Bệnh viêm phổi do Mycoplasma là bệnh rất hiếm gặp nhưng hiện nay lại đang có nhiều trẻ mắc”, PGS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng đánh giá, trong gần 2 năm trở lại đây, sau khi kết thúc giãn cách xã hội thì tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng tăng nhiều hơn, ghi nhận nhiều ca bệnh tăng nặng, thời gian xuất hiện bệnh không tuân theo quy luật thông thường, thời gian mắc bệnh kéo dài hơn.
Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho rằng đây, là hậu quả của tình trạng “nợ miễn dịch” - được hiểu là hiện tượng xảy ra do trẻ không được tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên lại một khoảng trống lớn chưa được “bù đắp” khiến khi “va chạm” với các loại virus, vi khuẩn “quen mặt” như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… lại khiến cho trẻ có nhiều phản ứng dữ dội hơn, sốt cao hơn và có nhiều triệu chứng nặng nề hơn.
“Nhân đôi đề kháng” bảo vệ trẻ trước dịch bệnh “trái mùa”
Trong hơn 2 năm diễn ra dịch COVID-19, trẻ học online và hạn không tiếp xúc với nhau, do đó, khi bị hạn chế về môi trường, trẻ sẽ không có miễn dịch phù hợp. Vì thế, sau dịch trẻ quay lại với môi trường, do thiếu hụt miễn dịch nên dễ mắc bệnh, khi mắc bệnh lại có biểu hiện nặng hơn.
“Bình thường, khi trẻ tiếp xúc các loại vi khuẩn, virus cũng chính là cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ tăng cường hoạt động, sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Đầu năm học trẻ dễ gặp tình trạng ốm vắt nhiều do trẻ nghỉ hè 2-3 tháng liên tục ở nhà không có tiếp xúc nơi đông người, khi quay trở lại trường học trẻ cũng sẽ dễ bị bệnh hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy phân tích.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, đáp ứng miễn dịch của trẻ sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng dù có triệu chứng hay không có triệu chứng. Suy giảm miễn dịch do COVID-19 còn gây khó khăn trong đào thải virus và chống nhiễm trùng thứ phát. Khi xảy ra nhiễm trùng thứ phát sau mắc COVID-19, trẻ có nguy cơ bị nặng hơn khoảng 5-15%.
“Ở người lớn hệ miễn dịch đã ổn định. Trong khi trẻ em thì khác, trẻ em cần cho phát triển. Vì thế, mới có khái niệm “nhân đôi đề kháng”, nhân đôi miễn dịch để miễn dịch đang thiếu, trở về bình thường và nhân đôi tiếp lên thì đứa trẻ mới ổn định phát triển được”, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết.
Trưởng bộ môn Nhi, Trưởng khoa Nhi, Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, cha mẹ cần “nhân đôi đề kháng” để bù đắp kịp thời khoảng trống miễn dịch hậu COVID-19 và khoảng trống miễn dịch do hệ miễn dịch bản thân của trẻ chưa được hoàn thiện: “Để nhân đôi đề kháng”, chúng ta cần phối hợp rất nhiều yếu tố bên ngoài, bên trong. Yếu tố bên ngoài là môi trường không quá chật chội, không có thuốc lá… thay vào đó phải thoáng, sạch sẽ. Trẻ cũng cần có thói quen vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh, cho trẻ ngủ đúng giờ, cho trẻ đi tiêm chủng bù lại những mũi còn thiếu… Yếu tố bên trong là việc tiêm các loại vaccine theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Lưu ý, khi tiêm vaccine cần tiêm đủ mũi, đúng hạn để đảm bảo miễn dịch đủ và bền vững”.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng bú sữa mẹ hoàn toàn để nhận được đề kháng từ mẹ. Trẻ trên 6 tháng nên đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm chất đạm, đường, chất béo, chất xơ và các vitamin, vi chất khác như kẽm, sắt có trong thịt bò, tôm, cua, ghẹ, gan động vật và thực phẩm giàu vitamin A, C, E… như cam, quýt, bưởi, các loại rau xanh… Chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ khó đáp ứng đủ vi chất dinh dưỡng đặc biệt là kẽm và sắt. Bổ sung kẽm sắt cho nhu cầu hàng ngày rất quan trọng cho phát triển hệ miễn dịch ở trẻ. Cùng với sắt, kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Vì kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Theo khảo sát của tổ chức dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa cơm của trẻ em Việt thiếu 50% vi chất như vitamin A, B1, C, D3, sắt, kẽm, canxi điển hình là thiếu sắt và kẽm. Còn theo Viện Dinh dưỡng quốc gia nghiên cứu năm 2020, cứ 3 trẻ em có 1 trẻ thiếu sắt, 60% trẻ em thiếu kẽm, đặc biệt thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm và người lại. Thiếu vi chất cộng với khoảng trống miễn dịch thời gian qua ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ, là nguyên nhân dẫn tới trẻ hay ốm hơn.