Nhân lực chất lượng cao - Nền tảng vững chắc để đất nước phát triển

Một trong những điểm nhấn lớn nhất của giáo dục đại học 2024 là việc các trường đại học đã chủ động trong việc tuyển sinh, mở ngành, đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao gắn với chiến lược phát triển của đất nước, phục vụ cho các ngành công nghiệp mới nổi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… Mỗi trường đều có những sáng tạo mới mang đến nhiều hy vọng về một nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cơ hội “trăm năm có một” để nâng tầm đất nước

Năm 2024, sự dịch chuyển sản xuất, đặc biệt trong ngành công nghiệp chip bán dẫn đã mang tới cho Việt Nam một cơ hội lớn. Việc tập đoàn Apple của Mỹ hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam mang đến nhiều nét tươi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chíp. Những chính sách gần đây của Mỹ đã nhìn nhận Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản tiền không nhỏ từ Đạo luật Chíp sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn như nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán, sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.

Thống kê cho thấy, hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Ampere, Marvell, Cadence, Renesas... Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước.

 Nếu giải quyết tốt bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tương lai Việt Nam sẽ còn đón được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ mới (ảnh minh họa). Ảnh: ĐHQG

Nếu giải quyết tốt bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tương lai Việt Nam sẽ còn đón được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ mới (ảnh minh họa). Ảnh: ĐHQG

Trước cơ hội lớn, nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Trong năm 2024, lần đầu tiên nước ta thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Cũng trong năm qua, lần đầu tiên một chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng ban hành.

Sứ mệnh cao cả của giáo dục đại học

Để trở thành một trong những trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ này cho ngành giáo dục, trong đó giáo dục đại học đảm đương chính. Ngay từ đầu năm học 2024 – 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo.

Theo đó, trong Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 23/8/2024 về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, Thủ tướng chỉ đạo, nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn…) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học rà soát, đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các chuyên ngành trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…; tăng cường ứng dụng công nghệ nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng xác định, đối với bậc đại học, tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.

 Giáo dục đại học đang nỗ lực đào tạo ra nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: ĐHQG

Giáo dục đại học đang nỗ lực đào tạo ra nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: ĐHQG

Để đạt được những kỳ vọng và nhiệm vụ lịch sử trao cho ngành giáo dục, chắc chắn cần nhiều nỗ lực lớn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn cần chú trọng theo hướng “Rộng - Sâu - Cao”, trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”. Điều này có nghĩa, nhân lực được đào tạo phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu.

Tại hội thảo “Chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết: “Việc tập trung đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là một hướng đi chiến lược, có yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để chúng ta thực hiện chiến lược Made-in-Việt Nam”.

Đào tạo ra một thế hệ kỹ sư phục vụ cho nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao chắc chắn không hề đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay tinh thần từ các lãnh đạo ngành giáo dục cho đến lãnh đạo các trường đại học đang lên rất cao. Tinh thần đó đã được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình – Hiệu trưởng Trường Đại học CMC thể hiện trong bài phát biểu tại một hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Theo thầy Bình: “Không có gì là không thể làm được cả và nếu rất muốn cùng quyết tâm thì sẽ có thể thành công. Do đó, để theo đuổi lĩnh vực này thì cả thầy và trò đều phải là những con người tâm huyết và dám đương đầu với thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, để đào tạo được nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thì đương nhiên phải đào tạo bài bản và có đủ các phương tiện kỹ thuật cả về phần cứng và phần mềm”.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhan-luc-chat-luong-cao--nen-tang-vung-chac-de-dat-nuoc-phat-trien-post331155.html