Nhận lương cao gấp đôi, lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen vẫn từ chức

Gắn bó hơn 10 năm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Công viên nước Đầm Sen bất ngờ có đơn xin từ nhiệm với lý do chuyển đơn vị công tác. Ông Nguyễn Quốc Anh nhận thu nhập hơn 762 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm.

Đơn xin từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) của ông Nguyễn Quốc Anh được gửi lên HĐQT đầu tháng 11.

HĐQT Công viên nước Đầm Sen đã thông qua đơn và trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 30/1/2024.

Ông Nguyễn Quốc Anh (sinh năm 1966) có trình độ cử nhân Luật Kinh tế, nguyên quán tại TPHCM. Ông trúng cử vào HĐQT Công viên nước Đầm Sen từ nhiệm kỳ III (2013-2017) và giữ chức Phó Chủ tịch từ thời điểm đó đến nay.

Lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen bất ngờ xin từ chức.

Lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen bất ngờ xin từ chức.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Quốc Anh tiếp tục trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ V (2023-2028).

Được biết, ông Nguyễn Quốc Anh còn là thành viên sáng lập, cổ đông lớn sở hữu 33,54% vốn điều lệ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Anh cũng đang giữ vị trí Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Du lịch Thủ Đức; Thành viên HĐQT Du lịch Sài Gòn Đông Hà; Thành viên HĐQT Du lịch Sài Gòn Đà Lạt…

Trong BCTC hợp nhất quý III/2023, ông Nguyễn Quốc Anh nhận thu nhập hơn 762 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ 2022.

Về kết quả kinh doanh, Công viên nước Đầm Sen đạt gần 33 tỷ đồng lãi ròng trong quý III/2023, giảm 24% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công viên nước Đầm Sen ở mức 224 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm. Lợi nhuận ròng không tăng, duy trì ở mức gần 100 tỷ đồng.

Kết phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu DSN đạt 53.700 đồng/cp.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* TVN: Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP đã có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan tới điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. TVN dự kiến điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận công ty mẹ trước thuế từ 52 tỷ xuống còn 1 tỷ đồng.

* DDG: Theo BCTC hợp nhất quý III/2023, CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương đạt lãi ròng 1,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lỗ lên đến 192 tỷ đồng.

* IMP: CTCP Dược phẩm Imexpharm chi 67 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2026 để thưởng cho cán bộ chủ chốt thay vì phát hành 3,3 triệu cổ phiếu ESOP như dự kiến phát hành ban đầu.

* SHS: Ông Trần Sỹ Tiến, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ 10/11-10/12. Lý do bán ra vì đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

* MAC: CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải thông qua việc chấp thuận cho Công ty TNHH Quỹ TM Holding và các tổ chức, cá nhân liên quan mua thêm cổ phiếu để tăng sở hữu lên 65% thông qua hình thức mua khớp lệnh/thỏa.

* GVR: Quý III/2023, doanh thu thuần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt hơn 6.195 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; lãi ròng 312,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GVR ghi nhận doanh thu thuần gần 14.489 tỷ đồng, giảm 11%; lãi ròng 1.421 tỷ đồng, giảm 51%.

* PC1: CTCP Tập Đoàn PC1 thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% (tương đương 41 triệu cổ phiếu). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/11.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 8/11, VN-Index tăng 33,14 điểm (+3,07%) lên 1.113,43 điểm, HNX-Index tăng 8,74 điểm (+4%) lên 227,03 điểm, UpCOM-Index tăng 1,56 điểm (+1,84% ) lên 86,17 điểm.

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), trong phiên ngày 9/11, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên với nến xanh tăng điểm mạnh mẽ. Ở cả khung đồ thị ngày và giờ, hầu hết các chỉ báo đều hướng lên tích cực nhờ lực cầu mạnh mẽ và chưa cho tín hiệu tạo đỉnh tiếp theo.

Với diễn biến hiện tại, Chỉ số VN-Index có thể vẫn sẽ duy trì xu hướng tích cực nhưng sẽ có sự phân hóa trong ngắn hạn.

Còn theo CTCK Tân Việt (TVSI), với việc đã có phiên bùng nổ theo đà, VN-Index đang có cơ hội hình thành một nhịp tăng mới thay vì chỉ là hồi phục như trước đó.

Các nhóm ngành điều chỉnh ngắn hôm qua như ngân hàng, thép, bất động sản hay chứng khoán đều đã tăng mạnh trở lại giúp chỉ số bứt phá hoàn toàn vùng kháng cự ngắn hạn trước đó và hướng đến mục tiêu cao hơn.

Trong phiên giao dịch ngày 9/11, chỉ số sẽ kiểm tra lại ngưỡng bình quân 200 phiên hội tụ với vùng đỉnh tháng một đầu năm quanh ngưỡng 1.115-1.125 điểm. TVSI kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục bứt phá và hồi phục kiểm tra lại vùng đáy đã thiết lập trước đó quanh khu vực 1.150 điểm.

Ngọc Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhan-luong-cao-gap-doi-lanh-dao-cong-vien-nuoc-dam-sen-van-tu-chuc-2212696.html