Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6: Bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

Bị lộ thông tin cá nhân; bị bắt nạt, xâm hại, lừa đảo, tiếp cận với những thông tin xấu độc; dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật… là những nguy cơ trẻ em có thể gặp phải khi sử dụng internet và mạng xã hội.

Hàng năm, Tỉnh đoàn duy trì phối hợp tổ chức Hội thi Tin học trẻ nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và internet cho thanh thiếu nhi. Ảnh: N.Sơn

Hàng năm, Tỉnh đoàn duy trì phối hợp tổ chức Hội thi Tin học trẻ nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và internet cho thanh thiếu nhi. Ảnh: N.Sơn

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, internet đã trở thành một phần không thể thiếu giúp trẻ học tập, mở rộng kiến thức, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng… Do đó, việc cấm đoán trẻ sử dụng internet một cách cực đoan đã không còn phù hợp.

* Kiểm soát thời gian dùng internet của trẻ

Không cấm đoán trẻ sử dụng internet nhưng các bậc phụ huynh cần kiểm soát được thời gian sử dụng internet của trẻ, không để trẻ sử dụng internet một cách vô tội vạ dẫn đến nghiện internet.

Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, con gái chị từ khi còn nhỏ đã tiếp cận internet, nhưng khi đó chỉ xem ca nhạc thiếu nhi. Còn hiện tại, khi con chị đã 6 tuổi, nhu cầu sử dụng internet ngày một nhiều hơn, trong đó có cả việc phục vụ học tập. Lo lắng con nghiện internet, mỗi ngày chị chỉ cho con sử dụng internet từ 1,5-2 giờ. Mỗi khi con muốn xem gì đều hỏi ý kiến, chị cho phép mới xem. Trên iPad chị chỉ cài ứng dụng YouTube Kid, không cài ứng dụng YouTube, Facebook, TikTok. Bên cạnh đó, chị Linh mua thêm nhiều đồ chơi, khuyến khích con chơi với bạn để giải trí thay vì xem iPad.

Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN chia sẻ, theo lộ trình thực hiện dự án liên quan đến an toàn thông tin, Tỉnh đoàn và các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các phong trào, hội thi nhằm từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ em.

Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 6A3, Trường trung học cơ sở Long Phước (huyện Long Thành), cho biết mỗi ngày cha mẹ cho phép em sử dụng internet từ 2-3 giờ. Tuy nhiên, em không được sử dụng internet một cách liên tục mà ngắt ra nhiều lần. Mỗi khi được cha mẹ cho phép sử dụng điện thoại hoặc tivi, em sẽ tìm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học, xem thông báo của cô giáo hoặc những video ngắn trên mạng xã hội để giải trí.

Thỉnh thoảng, cha mẹ gửi cho em những video clip hướng dẫn cách sử dụng internet và mạng xã hội an toàn; đồng thời, thường xuyên nhắc nhở em không lạm dụng internet và mạng xã hội; không xem những video clip không phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, không kết bạn hoặc trò chuyện với người lạ; không bấm vào đường link lạ, không đăng tải thông tin, hình ảnh cá nhân lên nền tảng mạng xã hội; không tham gia những cuộc tranh cãi trên mạng để hạn chế gặp phải những phiền toái không đáng có…

Bên cạnh việc giám sát trực tiếp, với sự phát triển của công nghệ, phụ huynh cũng có thể sử dụng các ứng dụng, phần mềm để kiểm soát thời gian sử dụng internet của con bằng cách cài đặt giờ sử dụng, theo dõi những website trẻ đã truy cập, muốn truy cập, điều khiển máy tính của trẻ bằng smartphone, ghi lại những cuộc trò chuyện trên các trang mạng xã hội của trẻ… Qua đó, phụ huynh có thể biết được con trẻ đang làm gì, xem gì trên môi trường số để có sự can thiệp kịp thời, góp phần bảo vệ trẻ trên không gian mạng.

* Trang bị hệ thống “miễn dịch” số

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho rằng, internet mang lại nhiều lợi ích. Đây không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, giúp trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, mà còn là nơi để trẻ giải trí, phát triển kỹ năng… Chưa kể, các hoạt động Đoàn, Đội đang có xu hướng chuyển dịch dần lên không gian mạng. Do đó, việc các em sử dụng internet để tham gia hoạt động là điều tất yếu.

“Vấn đề chúng tôi cũng như các bậc phụ huynh lo ngại là khi trẻ sử dụng internet và mạng xã hội sẽ phải đối mặt với những nguy cơ. Trong khi đó, ở độ tuổi của các em thường ít được trang bị đủ kỹ năng tự vệ nên dễ trở thành đối tượng bị kẻ xấu tấn công” - anh Kiên nói.

Thiếu nhi sử dụng internet để giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.

Thiếu nhi sử dụng internet để giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11-15 bị bắt nạt trực tuyến ít nhất một lần. Do đó, việc cha mẹ đồng hành, bảo vệ trẻ khi tham gia không gian mạng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế không phải cha mẹ nào cũng có đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn, đồng hành cùng con khi tham gia trên môi trường mạng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thời gian, cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ. Trường hợp cha mẹ không thể hướng dẫn con thì có thể tìm đến các chuyên gia hoặc cho con theo học những lớp kỹ năng sống trên mạng... nhằm giúp trẻ hình thành hệ thống “miễn dịch” trước những tác động tiêu cực của môi trường mạng.

Anh Nguyễn Minh Kiên cho hay, để góp phần cùng với phụ huynh trang bị cho trẻ hệ thống “miễn dịch” số, Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông cùng các đơn vị doanh nghiệp xã hội triển khai dự án xã hội liên quan đến an toàn thông tin. Đối tượng dự án hướng đến là trẻ em, đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ tác động tiêu cực trên không gian mạng.

Ông TRƯƠNG HẢI THI, Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai:

Đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào trường học

Sử dụng internet dần trở thành nhu cầu tất yếu. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ. Hàng năm, trong chương trình giáo dục kỹ năng sống của Nhà thiếu nhi Đồng Nai, chúng tôi đều ưu tiên tổ chức những chuyên đề về an toàn trên môi trường mạng dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, số lượng các em thiếu nhi được học chuyên đề có hạn.

Tôi cho rằng, để phổ cập kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ, nội dung về an toàn trên không gian mạng cần phải đưa vào trường học một cách thường xuyên, liên tục hơn…

Chị HỒ THỊ KIM LIÊN (ngụ ấp Đất Mới, xã Long Phước, huyện Long Thành):

Phụ huynh cần được trang bị kiến thức, kỹ năng

Tôi luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi con sử dụng thiết bị có kết nối mạng. Ngoài việc dành nhiều thời gian chơi cùng con, tôi giám sát chặt việc sử dụng internet của con.

Tuy nhiên, do điều kiện công việc, tôi không thể nào giám sát hết được quá trình con sử dụng internet. Tôi sử dụng các thiết bị cũng không rành nên muốn biết con đã làm gì, xem gì trên mạng cũng gặp khó khăn. Vấn đề này không phải của riêng tôi, mà của nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh ở khu vực nông thôn, gặp phải. Điều chúng tôi mong muốn chính là có thêm kiến thức, kỹ năng để đồng hành cùng con trong quá trình sử dụng internet.

Cẩm Tú (ghi)

Để thực hiện dự án này, Tỉnh đoàn đã tuyển 100 tình nguyện viên là sinh viên, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng. Lực lượng này sau khi được tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn; những dấu hiệu nhận biết và đấu tranh đối với thủ đoạn lừa đảo liên quan đến trẻ em trên không gian mạng sẽ tham gia Chiến dịch Tình nguyện mùa hè xanh đi về các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, lực lượng này sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Đối với lực lượng thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ phụ trách việc tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh, trẻ em tại cộng đồng dân cư.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/nhan-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6-bao-ve-tre-em-an-toan-tren-moi-truong-mang-12d568b/