Nhân Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai 22/5: Chủ động phòng ngừa từ sớm

Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 22/5 với chủ đề 'Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai', qua đó nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Với tinh thần đó, tại Bắc Giang, các ngành chức năng, địa phương đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp ứng phó với thiên tai từ sớm, bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân.

Xử lý nhiều vi phạm

Bắc Giang có nhiều con sông chảy qua với hệ thống đê dài gần 400 km, trong đó có 5 tuyến đê cấp III trở lên, 3 tuyến đê cấp IV và hơn 20 tuyến đê bối, đê bao. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Các lỗi vi phạm phổ biến là: Xây dựng công trình, trồng cây, đổ vật liệu công nghiệp lấn chiếm hành lang đê; điều khiển xe quá tải, quá khổ lưu thông gây áp lực lên các tuyến đê…

 Lực lượng chức năng huyện Hiệp Hòa tháo dỡ công trình vi phạm đê tả Cầu.

Lực lượng chức năng huyện Hiệp Hòa tháo dỡ công trình vi phạm đê tả Cầu.

Để bảo vệ, phát huy hiệu quả phòng, chống lũ của các tuyến đê, thời gian qua, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt bão, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, sau các đợt cao điểm ra quân xử lý thì vi phạm lĩnh vực đê điều vẫn tiếp tục phát sinh, vi phạm cũ chậm được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do các đối tượng vì lợi ích cá nhân cố tình chây ỳ, làm ngơ trước quy định pháp luật. Nhiều trường hợp lợi dụng đêm tối, nơi vắng người qua lại để thực hiện hành vi vi phạm. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn nể nang, chưa sát sao, quyết liệt chỉ đạo, xử lý.

Trước thực trạng này, ngày 6/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1091/UBND-KTN yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP, các công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi và đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm 117 vi phạm trên địa bàn tỉnh (gồm 91 vi phạm đê điều, 26 vi phạm về bến bãi, kinh doanh vật liệu); kiên quyết không để vi phạm cũ tồn tại kéo dài hoặc phát sinh vi phạm mới.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tăng cường tuần tra, giám sát, xử lý vi phạm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) phát hiện gia đình ông Ngọ Văn Thọ, thôn Thù Cốc khi xây dựng nhà ở đã lấn chiếm vào phạm vi chân đê tả Cầu với diện tích 40 m2. Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Phó hạt Trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Hiệp Hòa cho hay: “Ngày 7/3, đơn vị phối hợp với UBND xã Hòa Sơn lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Thọ tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng và cam kết không tái diễn vi phạm, đồng thời bố trí cán bộ giám sát việc thực hiện cam kết của hộ”.

Tại huyện Tân Yên, UBND huyện giao chủ tịch UBND các xã, cán bộ địa chính chịu trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm thuộc địa bàn quản lý gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm của cán bộ, công chức. Theo đó, các xã có vi phạm đê điều gồm: Phúc Hòa, Hợp Đức, Liên Chung đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác đến từng hộ tuyên truyền, vận động, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm; trường hợp chây ỳ kiên quyết tổ chức cưỡng chế theo quy định. Với sự quyết liệt từ chỉ đạo đến triển khai thực hiện, các trường hợp vi phạm đê hữu Thương trên địa bàn tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Thống kê từ Chi cục Thủy lợi, đến ngày 21/5, toàn tỉnh đã xử lý xong 29/91 công trình vi phạm đê điều; 3/26 vi phạm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trong đó, huyện Hiệp Hòa xử lý xong 24/50 vi phạm; Lục Nam 5/13 vi phạm...

Sẵn sàng phương án ứng phó

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có 2 người chết, 1 người bị thương; 18 hộ thiệt hại về nhà ở, bị ảnh hưởng do sạt lở đất; xảy ra 8 sự cố trên các tuyến đê cấp III và dưới cấp III… Tổng thiệt hại khoảng 27 tỷ đồng. So với năm 2022, giá trị thiệt hại, sự cố công trình do thiên tai giảm 36 tỷ đồng nhưng tăng 1 người chết và 1 người bị thương.

 Các lực lượng tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Lục Nam. Ảnh tư liệu.

Các lực lượng tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Lục Nam. Ảnh tư liệu.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện sớm các phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, phát huy tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) khi có sự cố xảy ra.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước... Qua đó xác định toàn tỉnh có 7 điểm xung yếu trên các tuyến đê; 12 kè, cống, hồ, đập trọng điểm xung yếu. Một số địa phương có tuyến xung yếu là: Yên Dũng có đê tả Thương từ K18+700 đến K27+700 và đê hữu Thương Ba Tổng từ K0 đến K14+100; Tân Yên có đê hữu Thương đoạn qua xã Quế Nham. Tại thị xã Việt Yên có đê tả Cầu từ K0 đến K39+600 và từ K39+900 đến K40+135.

UBND tỉnh chỉ đạo, sau ngày 30/5, các địa phương tổ chức ra quân cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình chây ỳ không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm; phấn đấu xử lý xong toàn bộ vi phạm trước ngày 30/6 năm nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho hay, để chủ động bảo vệ hành lang đê điều trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng bố trí nguồn lực để xử lý trước các điểm trọng yếu đê điều; tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố. Sẵn sàng phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo, sau ngày 30/5, các địa phương tổ chức ra quân cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình chây ỳ không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm; phấn đấu xử lý xong toàn bộ vi phạm trước ngày 30/6 năm nay.

Các huyện, thị xã, TP phối hợp với ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng trên bãi sông theo quy định. Tổ chức lắp camera, biển báo, cử lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý triệt để vi phạm.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ đê điều ở cơ sở lâu nay khá phức tạp và còn khó khăn do lực lượng mỏng; địa điểm vi phạm thường xa khu dân cư. Đơn cử như phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên) lập 2 barie để ngăn xe quá khổ, quá tải lưu thông, bảo vệ tuyến đê tả Cầu. Nhưng mới đây, các đối tượng lợi dụng đêm tối, vắng người qua lại đã cắt dỡ barie. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phấn, Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn cho biết, ngay khi phát hiện, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng lắp đặt lại barie đồng thời phân công cán bộ theo dõi, giám sát. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp trước mắt tại cơ sở. Để bảo vệ an toàn các tuyến đê cần có sự quan tâm, phối hợp, vào cuộc đồng bộ, thường xuyên của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong xử lý triệt để vi phạm cũng như thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhan-ngay-truyen-thong-phong-chong-thien-tai-22-5-chu-dong-phong-ngua-tu-som-085849.bbg