Nhân tài vẫn có tâm lý thăm dò, so sánh mức lương
Một số nhân tài sau khi bố trí công tác lại ngại khó, ngại khổ, chưa thật sự gắn bó với công việc, có tâm lý thăm dò, thử việc; đôi lúc còn so sánh mức lương và chưa thực sự an tâm công tác.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại TP Đà Nẵng và nhiều địa phương trên cả nước trong công tác phát triển nguồn nhân lực khu vực công nói chung và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Tham luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ diễn ra sáng 27/12, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, công tác phát triển nguồn nhân lực khu vực công nói chung và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt coi trọng và quan tâm chỉ đạo từ đầu năm 1998, ngay sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Tính đến nay, TP đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên. Đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người và đơn vị sự nghiệp 678 người.
TP cũng quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách bảo đảm có tính vượt trội so với các đối tượng khác trong cùng cơ quan như: chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ hàng tháng, bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng (kinh phí thực hiện ước tính hơn 56 tỷ đồng).
Trong quá trình công tác, đối tượng thu hút và đào tạo được đa số lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá cao về năng lực làm việc, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, 300 người (23,6%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong đó có 15 người giữ chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Bên cạnh những kết quả trên, trên thực tế việc thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Đó là một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm trong việc tiếp nhận, sử dụng, bố trí việc làm; tính chủ động trong việc tiếp nhận, sử dụng các đối tượng thu hút của các đơn vị chưa cao, còn tình trạng đăng ký nhu cầu nhưng không đồng ý tiếp nhận đối tượng thu hút khi cơ quan có thẩm quyền phân bổ công tác về đơn vị.
Một số trường hợp, sau khi tiếp nhận, bố trí công tác lại ngại khó, ngại khổ, chưa thật sự gắn bó với công việc, có tâm lý thăm dò, thử việc, đôi lúc còn so sánh mức lương và chưa thực sự an tâm công tác nên xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác có cơ hội thăng tiến hơn.
Ngoài ra, chính sách, chế độ đãi ngộ tuy đã được điều chỉnh theo từng giai đoạn, nhưng so với mức lương của ngành khác còn thấp, chưa đủ “lực hút”, thiếu tính quyết liệt, chưa đáp ứng kịp thời theo quy định đã đề ra. Nhiều trường hợp xa gia đình chưa được bố trí chỗ ở nên gặp nhiều khó khăn trong công tác cũng như cuộc sống.
Giải quyết bất cập trên, theo ông Lê Trung Chinh, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp mà trước hết là mở rộng hình thức, đối tượng thu hút.
Bên cạnh thu hút các đối tượng đến làm việc lâu dài, TP sẽ bổ sung thu hút đối tượng chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP Đà Nẵng.
Cùng với đó, chế độ đãi ngộ cũng sẽ có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, mức hỗ trợ 1 lần đối với nhóm đối tượng thu hút được áp dụng chung dựa trên bằng cấp, trình độ đào tạo và mức hỗ trợ còn tương đối thấp thì hiện nay mức hỗ trợ 1 lần được quy định cao hơn và có phân nhóm theo đối tượng, theo từng trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo.
Cụ thể, các trường hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 201-400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới thì được hỗ trợ 130 lần lương cơ sở (đối với trình độ đại học) hoặc 180 lần mức lương cơ sở (trình độ thạc sĩ) và 230 lần mức lương cơ sở (trình độ tiến sĩ).
Đối với một số vị trí công việc đặc thù khó thu hút thì ngoài khoản hỗ trợ nêu trên, TP sẽ hỗ trợ thêm kinh phí không quá 200 lần mức lương cơ sở.
Ngoài chế độ đãi ngộ, Đà Nẵng cũng chú trọng làm tốt công tác sử dụng và giữ chân người tài. Theo đó, TP sẽ bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường đối với nhân lực thu hút, đào tạo và cả những cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố. Mạnh dạn rà soát, bố trí lại cho phù hợp đối với những trường hợp có vị trí công tác chưa phù hợp với ngành nghề đào tạo và năng lực sở trường.
Cũng nêu lên những khó khăn trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người tài, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, quy định về quy trình triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn chưa cụ thể, nên địa phương lúng túng trong thực hiện.
Từ vướng mắc trên, Hải Phòng đã kiến nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương có liên quan có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ theo quy định tại Nghị định 140, trong đó có quy trình triển khai thực hiện cụ thể trong việc phát hiện sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào công tác trong các cơ quan nhà nước.