Nhân tố con người trong phát triển du lịch ở Đồng Văn
'Trong ngành du lịch, tính hiệu quả gắn liền với giá trị mà con người mang lại và chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Những người có năng lực, thân thiện có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách, đến địa điểm du lịch hơn là các cơ sở hạ tầng xa hoa' - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Hà Giang, huyện Đồng Văn, khẳng định này càng đúng khi chúng ta đang hướng đến một nền du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu, con người là chủ thể của các giá trị văn hóa truyền thống, là nhân tố chính trong phát triển du lịch.
Nằm ở vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá, huyện Đồng Văn hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ… thì nhân tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Không đơn thuần là đào tạo đội ngũ cán bộ du lịch có chất lượng cao, chúng tôi luôn đề cao giá trị của con người, chính đồng bào các dân tộc, những người dân địa phương là yếu tố cốt lõi để tạo nên thương hiệu riêng, đậm đà bản sắc du lịch Đồng Văn”; đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Thực tế, chủ trương của tỉnh ta trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường, quảng bá hình ảnh con người Hà Giang nói chung, con người vùng Cao nguyên đá nói riêng đến đông đảo du khách. Có thể thấy yếu tố con người trong phát triển du lịch vô cùng quan trọng. Hình ảnh con người Cao nguyên đá với nét mộc mạc, đơn sơ, thân thiện, mến khách kết hợp cùng với văn hóa truyền thống đã tạo nên một đặc trưng riêng, không thể hòa lẫn với bất cứ con người nơi đâu. Từ đó, có thể xây dựng hình ảnh con người Hà Giang trở thành một “sản phẩm du lịch” độc đáo nhất.
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, trên 100 năm nay, bà con người Lô Lô đen sinh sống và canh tác dưới chân núi Rồng, bảo vệ mảnh đất thiêng nơi cực Bắc Tổ quốc, cùng chung sức bảo vệ từng tấc đất biên cương. Nhiều năm trở lại đây, lượng khách đến tham quan di tích Cột cờ Quốc gia Lũng Cú tăng mạnh. Từ đó, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cũng phát triển, hàng chục homestay, nhà hàng được xây dựng. Nhưng, các homestay thu hút đông du khách chủ yếu là của những người bản địa và giữ nguyên được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Anh Lê Minh Hùng, du khách Hà Nội, chia sẻ: Chúng tôi yêu quý mảnh đất Hà Giang bởi cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tuyệt vời, nhưng có thể nói văn hóa, con người Hà Giang lại càng thu hút chúng tôi đến và tìm hiểu. Chúng tôi tới những homestay của người bản địa để sống và cảm nhận. Chính vì vậy mà đã có hàng trăm nhiếp ảnh gia tìm đến những bản làng xa xôi vùng biên viễn chỉ để được nhìn thấy tận mắt và ghi lại những hình ảnh đời thường nhất của bà con trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng. Qua ống kính nghệ thuật, nét đẹp của con người Hà Giang vô cùng cuốn hút và mê đắm.
Có thể khẳng định, gắn con người với văn hóa vùng miền để phát triển du lịch và gìn giữ văn hóa truyền thống là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của du lịch. Bởi lẽ, nhân tố con người cũng quan trọng như giá trị của nền văn hóa đó. Hay nói cách khác, văn hóa truyền thống nhờ có con người mà trở nên sinh động hơn; con người nhờ có văn hóa mà trở nên có giá trị hơn. Ví như, chiếc trống Đồng của bà con Lô Lô nếu không qua tiếng gõ của nghệ nhân sẽ không thể nào chuyển tải hết được ý nghĩa sâu thẳm trong đó; vải lanh nếu không có bàn tay các mẹ, các chị se lanh, dệt vải, nhuộm chàm sẽ không giá trị đến vậy... Trong quá trình hội nhập và phát triển, văn hóa truyền thống có thể bị mai một, chính vì vậy, con người sẽ làm sống lại nền văn hóa đó qua lời kể, qua chính bản thân họ; để văn hóa mãi được lưu truyền.