Nhập khẩu khí hóa lỏng - gánh nặng ngân sách của Indonesia
Nhập khẩu khí hóa lỏng của Indonesia đã vượt 5,5 triệu tấn mỗi năm và con số này đang tiếp tục gia tăng.
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif đã kêu gọi tăng cường sử dụng khí đốt trong nước đồng thời cắt giảm nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) vốn đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo quốc gia “Triển vọng kinh tế Indonesia năm 2024”, ông Arifin lưu ý: “Nhập khẩu LPG của Indonesia đã vượt 5,5 triệu tấn mỗi năm và con số này đang tiếp tục gia tăng, trong khi sản lượng khí đốt của chúng ta dư thừa và đang xuất khẩu sang các thị trường khác”.
Ông Arifin không cung cấp thông tin chi tiết về sản lượng khí đốt quốc gia, song dữ liệu của Viện nghiên cứu Năng lượng cho thấy sự sụt giảm liên tục trong thập kỷ qua. Cụ thể, sản lượng khí đốt của Indonesia chỉ đạt 57,7 tỷ m3 vào năm 2022, giảm so với mức 78,3 tỷ m3 cách đó 1 thập kỷ.
Bộ trưởng Arifin cho hay Indonesia là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và sản lượng dự kiến sẽ đạt được tốc độ mới nhờ việc phát hiện các trữ lượng mới gần đây. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng hạ tầng khí đốt nhằm tạo thuận lợi cho việc phân phối LPG đến các hộ gia đình, nhà hàng và khách sạn, từ đó giảm sự phụ thuộc vào LPG nhập khẩu”.
Ông Arifin cho rằng, để đạt được quy mô hiệu quả về mặt kinh tế trong cả sản xuất lẫn phân phối khí đốt, ngành khí đốt tự nhiên cần phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ và các ngành công nghiệp liên quan.
Trước đó, quan chức này công bố phát hiện 17 mỏ khí đốt mới với sản lượng tiềm năng lên tới 1,2 triệu tấn mỗi năm. Mới đây nhất, ngày 19/12, Cơ quan quản lý dầu khí thượng nguồn Indonesia (SKK Migas) thông báo phát hiện mỏ khí đốt bổ sung ở Biển Nam Andaman với trữ lượng thuộc hàng “lớn nhất thế giới”.
Theo SKK Migas, công ty Mubadala Energy của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phát hiện trữ lượng bổ sung thông qua giếng thăm dò Layaran-1 ở Lô Nam Andaman, nằm cách phía bắc đảo Sumatra khoảng 100 km. Mubadala cho biết phát hiện này có thể chứa hơn 6.000 tỷ feet khối (bcf).
Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Mubadala Energy, ông Mansoor Mohammed Al Hamed nhấn mạnh: “Phát hiện này không chỉ là một bước phát triển quan trọng đối với Mubadala Energy mà còn là một cột mốc lịch sử đối với an ninh năng lượng của Indonesia”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhap-khau-khi-hoa-long-ganh-nang-ngan-sach-cua-indonesia/319152.html