Nhập Không môn vào thế giới Phật
Tu thiền, ngộ được thiền và tu đến mức nhập Không môn là vào cửa Không, thiền sư sẽ thấy mình tan biến vào hư không, tất cả là hư không, lúc đó không còn có ngã, nhơn và thọ giả, nói cách khác, không còn gì, gọi là Niết-bàn được giải thoát.
Đa số người tu, khi đắc La-hán, đến chỗ này gọi là tan biến. Nhưng tu theo kinh Pháp hoa, chỗ này Phật dạy rằng chúng ta là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều nương theo giáo pháp Phật tu hành, ra khỏi Nhà lửa tam giới, tới bãi đất trống là nhập Không môn, thân chúng ta trở thành hư không. Tuy nhiên, tới đây, nếu là người thiệt có căn lành ra tới bãi đất trống, tu thiền là vào cửa Không rồi, mới thấy Phật và Bồ-tát. Ý này được kinh Pháp hoa gọi là lên đại bạch ngưu xa, tức chúng ta không mất, không phải tan biến vào hư không. Nhưng lên xe Nhứt thừa, xe này có khả năng ra vào ba cõi lúc nào cũng bình yên.
Người tu thiền dễ nhầm chỗ này, cho rằng đến đây mình mất, lên Niết-bàn là hết. Nhưng tu Pháp hoa, đến đây chưa hết, mà mở ra trang sử mới cho chúng ta thấy được bên đây là sanh tử, bên kia là Niết-bàn. Niết-bàn có bốn tướng là thường, lạc, ngã, tịnh. Thường là bất biến, lạc là an lành, ngã là chơn thật, tịnh là trong sạch. Ở sanh tử có nhiễm ô, nhưng ở Niết-bàn trong sạch. Vì vậy, chúng ta tu chứng Niết-bàn là đạt được bốn trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh, tức tìm được con người bất tử của mình là chân linh bất tử, và an vui với chân linh bất tử, chúng ta không còn khổ đau. Ở sanh tử có khổ và tập đế, nhưng qua Niết-bàn là diệt đế. Như vậy, có hai loại hình thế giới hoàn toàn khác nhau, ta qua thế giới sanh tử thì như thế, còn qua thế giới của chư Phật thì như thế.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta vào thế giới Phật thấy khác, không phải tan biến thành mây khói. Có vị nghĩ mình tan biến thành mây khói, nhìn lên trời, mình là đám mây, nhìn dòng sông mình là nước chảy, nhìn đâu cũng nghĩ mình là như thế, thân của mình sẽ như vậy. Điều này khiến mình dễ hiểu nhầm.
Tuy nó như thế, nhưng bên trong có chủ động, vì có Phật tri kiến bên trong giúp chúng ta ra vô tam giới bình yên. Thật vậy, ngay ở thời Lộc Uyển, Đức Phật đã khuyên rằng các ông đắc La-hán thiệt thì không còn sợ sanh tử, không sợ nhiễm ô, giống như hoa sen, nên các ông được quyền vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh. Còn người chưa hết sanh tử phải cố gắng tu cho đến hết sanh tử để nhập Không môn.
Phật giáo Nguyên thủy đã ghi nhận rõ như vậy, nhưng nhiều người hiểu nhầm tới chỗ này, mình tan biến mất, nên sợ quá, không dám tu. Trong khi tu các pháp môn khác, sau khi chết, ta còn lên trời, hay về Phạm thiên, hoặc đi chỗ này chỗ kia. Còn tu pháp này, chúng ta tan biến thành hư không, thấy mình thành đám mây, mưa xuống làm nước, nước bốc hơi thành mây, thì mình là mây là nước, không còn là người.
Điều quan trọng phải biết rõ có hai cuộc sống khác nhau giữa sanh tử và Niết-bàn. Nếu tu Pháp hoa và thực chứng Pháp hoa, đến cửa Không thì chúng ta lên đại bạch ngưu xa. Còn trước kia có tam thừa là có người tu Thanh văn, người tu Duyên giác và người tu Bồ-tát, vì lộ trình tu này là từ nhân hướng quả thì phải như vậy thôi, bởi trình độ không giống nhau, nên phải tu pháp khác nhau, thì hiểu khác nhau, nhưng khi chứng quả vị La-hán, Phật nói tất cả đều được giải thoát, tức vào hư không, gọi là nhập Không môn, kinh Pháp hoa nói là đến bãi đất trống. Tới đây, chúng ta gặp Phật.
Chúng ta biết Đức Phật đã hiện thân vào sanh tử, làm Phật Thích Ca Mâu Ni để gần gũi, dìu dắt, hướng dẫn chúng ta nhiều cách tu khác nhau, nhưng Phật vào Niết-bàn, chúng ta nghĩ Phật chết. Nhưng sự thật, khi Niết-bàn, Phật cũng nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Những người cùng tu thời Phật, họ đắc Sơ thiền thì Phật vào Sơ thiền, họ thấy Phật ở Sơ thiền. Nhưng Phật qua Nhị thiền, họ không thấy Phật nữa, vì họ chỉ đến được Sơ thiền thôi. Từ Nhị thiền, Phật qua Tam thiền thì người đắc Tam thiền theo Phật tới Tam thiền thôi. Và người đắc Tứ thiền theo Phật đến Tứ thiền. Qua Tứ thiền, Phật nhập Không môn, họ không thấy Phật nữa, nên nói Phật vào Niết-bàn rồi, không còn Phật nữa.
Nhưng qua Tứ thiền, Phật lên tới đỉnh cao là nhập Ngũ tịnh cư thiên. Ngũ tịnh cư thiên là thế giới vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh. Phật nhập vào thế giới này thì những người chứng được Tứ thiền, rớt trở lại Tứ thiền, không qua Ngũ tịnh cư thiên được. Nhưng tới đây, những người đắc La-hán thiệt thì họ cũng qua Ngũ tịnh cư thiên luôn. Thật vậy, Phật dạy rằng người đắc La-hán mà không vào Ngũ tịnh cư thiên được, không lên xe Nhứt thừa được thì không phải thực La-hán, nhưng họ chỉ trụ ở Hóa thành thôi. Vì quả vị La-hán mà họ chứng là nhờ nương theo Phật mà chứng.
Điều này Phật tử dễ hiểu, khi mình gần Phật, Bồ-tát, hay người tu đắc đạo, mình tự an lành, thấy phiền não biến mất, tự thanh tịnh. Thực tế là Phật tại thế, người mới thấy Phật hoặc nhiều người chỉ tu một thời gian ngắn mà đắc La-hán là nhờ nương Phật mà họ có quả này, họ chưa chứng thiệt, nên không có Phật, họ mất quả La-hán. Còn người chứng La-hán thiệt, Phật mất nhưng quả La-hán của họ vẫn còn. Vì người chứng La-hán thiệt, họ có thực tài, thực tu thì có Phật, họ nương theo Phật tu, nhưng không có Phật, họ thay Phật để cứu độ chúng sanh. Người không có thực tài chỉ nương Phật tu, nên có Phật, họ thấy bình yên; không có Phật, họ thấy trống vắng, mệt mỏi, sợ hãi, thiệt thòi.
Kinh Pháp hoa muốn chỉ chúng ta thấy được chỗ này, không phải vào Không môn là chấm dứt. Đối với người có căn lành tu Pháp hoa, được Phật hộ niệm mới thấy Phật, thấy thế giới Phật là Thật báo và Thường Tịch Quang mở ra cho chúng ta. Đó là hai loại hình thế giới rất quan trọng dành cho người tu chứng thật mới vào được, không đắc đạo thật thì không vào được.
Vào thế giới Thật báo rồi, họ thấy Phật có vô số phân thân và thấy Phật Thích Ca hiện thân ở cuộc đời tại Ta-bà cũng là một phân thân của Bổn Phật là Phật gốc, Phật Lô Xá Na kết hợp bằng Trí thân và Pháp thân. Phật tu chứng được Trí thân là Vô thượng Bồ-đề, tức trí tuệ ở đỉnh cao nhất.
Nhận thức đúng như vậy, chúng ta tu chứng thiệt, phải vào con đường này được Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm, là từ Bồ-tát thân đi đến Như Lai thân và đến đỉnh cao nhất là Trí thân thì không còn thân tứ đại hữu hạn mà người tu Nhị thừa tưởng lầm là hết, vì người sống với Thức, kẹt Thức, nên họ nghĩ Thức hết là mình hết, nghĩ như vậy là đoạn kiến. Thật vậy, Phật nói Thức không hết, nhưng Thức chuyển thành trí, đắc đạo, vào cửa Không thì bốn Thức của mình chuyển thành tứ trí gọi là Trí thân.
Vì vậy, Phật lấy trí tuệ làm thân mạng gọi là trí thân huệ mạng. Trong khi chúng ta lấy thân huyễn làm thân mạng, nên thân tứ đại còn thì thấy mình còn, nhưng mất thân tứ đại thì nghĩ mình chết là hết. Con người chết, nhưng trí và phước không chết. Phật lấy trí tuệ và phước đức làm thân.
Theo Phật, quý vị phải tu cho đạt được thân trí tuệ và phước đức. Nghĩ xem mình tu, phước đức và trí tuệ có sanh không. Phước đức sanh thì dễ hiểu. Người tu có phước đức thường được người khác kính trọng. Tu mà không ai dám gần là tu sai, vì phước đức mất. Số người kính trọng mình đông thêm là biết phước đức mình lớn, nhưng người xa lần, ghét bỏ là tu sai, hết phước đức, cuối cùng cô độc. Phải nhớ ý này để điều chỉnh sự tu hành của mình. Tu phải sanh phước đức và trí tuệ. Trí tuệ sanh do tu hạnh Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Có tu thì có sanh trí tuệ, không tu không sanh trí tuệ và tu sai, trí tuệ không sanh mà phiền não sanh.
Tu Thanh văn, Phật dạy thực hành 37 Trợ đạo phẩm để gạn lọc phiền não, làm tâm mình sạch, phiền não hết thì trí tuệ bắt đầu sanh. Phật dạy người tu Thanh văn, trí tuệ sanh là phải chứng được Bát Chánh đạo. Quan trọng trí tuệ sanh, đầu tiên mình nhìn người, nhìn vật chính xác, thấy biết đúng người đúng việc không sai lầm gọi là Chánh kiến. Người tốt mà nghĩ họ xấu và người xấu lại nghĩ họ tốt là tu sai, thấy sai dẫn đến làm sai sẽ bị đọa. Nếu người tự cho là đắc La-hán mà còn nhìn người sai lầm thì không phải là La-hán thực, nhưng là tăng thượng mạn. Mình biết như vậy để tránh. Nhìn người mình thấy đúng thì thấy họ phải như thế, nói như thế, làm như thế, không có gì phải thắc mắc, phiền muộn, đó là Chánh kiến giúp tâm mình thanh thản và xử sự đúng đắn.
Thứ hai là Chánh ngữ, mình nói có chính xác không. Trên bước đường tu, Phật tử phải tập lần, lựa lời mà nói, bỏ tánh sái quấy là nói dối, nói ác, nói gây chia rẽ, nói bịa đặt. Phật dạy những gì mình biết rõ mới nói, không biết rõ thì đừng nói, vì nói sai nguy hiểm. Đắc La-hán thiệt không bao giờ nói sai.
Thứ ba là Chánh tư duy, suy nghĩ của mình luôn đúng. Phật dạy các La-hán lấy Bát Chánh đạo làm chuẩn để xem Chánh kiến, Chánh ngữ, Chánh tư duy của mình có đúng không.
Ngoài ra, chúng ta sống trên cuộc đời này, việc làm có ý nghĩa không. Theo Phật, sự hiện hữu của chúng ta là hiện hữu mà chúng sanh cần. Chúng sanh không cần, ta vào Niết-bàn, thể hiện Chánh mạng, Chánh nghiệp, đi vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh, hiện hữu ở cuộc đời để cứu độ chúng sanh.
Chánh tinh tấn là siêng năng làm những việc nói trên không biết mệt mỏi để lợi ích cho chư thiên và loài người. Cuối cùng là Chánh định, làm bao nhiêu việc ở thế gian, nhưng việc không chi phối chúng ta, chúng ta vẫn ung dung tự tại. Còn người làm ít mà nghĩ làm nhiều là tệ nhất. Người làm bao nhiêu nghĩ bấy nhiêu, rồi từ đó nghĩ mình nhất trên đời, không có mình thì không ai làm được, đó là sai lầm lớn.
La-hán làm được tất cả, nhưng không vướng mắc với việc và việc xong thì ra đi nhẹ nhàng, mới có thể vào cửa Không, gặp Phật.
Tu hàng ngày, tụng niệm, lễ bái, thiền định, quý vị mong điều gì nhất. Riêng tôi, mong lâm chung thân không bệnh tật, tâm không phiền não và được thấy Phật, được về với Phật, là mục tiêu của tôi. Vì vậy, làm tất cả những việc Phật dạy để hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, hay hồi hướng Tịnh độ cũng được, thành tựu tất cả công đức để cuối cùng chúng ta được thấy Phật, nghe pháp, gần Phật để tu cho đến thành Phật, Chúng ta tu có mục tiêu rõ ràng như vậy, chứ ta không biến thành mây khói, thành cát bụi. Cát bụi trả về cát bụi, mây khói trả về mây khói, ta vẫn là ta về với thế giới Phật.
Phật nói rõ thế giới Thật báo Tịnh độ là thế giới của người có trí tuệ vô thượng. Người có trí tuệ là người vạn năng, làm được nhiều việc, có thể biến sỏi đá thành vật dụng. Thực tế cho thấy trí tuệ con người tìm ra quặng mỏ, tìm ra tất cả phương tiện sống của con người có sẵn trong trời đất. Chỉ mới có trí tuệ của con người thôi mà đã tạo được những lợi ích như vậy. Còn tri tuệ của Phật thì cao tột hơn vạn lần, nên thế giới Phật là thế giới hoàng kim là đất biến thành vàng. Ngày nay, con người biết luyện kim thành vàng, thành sắt thép, không biết thì những thứ này trở ngại mình. Thực tế cho thấy văn minh con người tới đâu thì đời sống vật chất cao đến đó.
Vì vậy, người tu theo Phật, chứng Trí thân thì tất cả mọi vật phải chuyển đổi theo sự hiểu biết của họ và lên đến tột đỉnh là thế giới hoàng kim của Phật. Chúng ta tu tuy chưa được việc gì cao siêu, nhưng muốn về Phật để sanh trí tuệ và dùng trí tuệ rọi qua vật chất, chuyển đổi vật chất thành hữu dụng theo ý mình.
Trên bước đường tu, nhận thức rõ bên này là thế giới chúng sanh, thế giới của vô minh, phiền não, nên khổ đau. Bên kia là thế giới Phật, thế giới của phước đức và trí tuệ, nên an lạc. Hai thế giới này hoàn toàn khác nhau. Chúng ta tu trở về thế giới Phật được và nếu mình trở lại thế giới này cũng biến thành thế giới hoàng kim. Nói cách khác, người giỏi, tốt tới đâu thì thế giới tốt theo đến đó. Điều này là thực tế cuộc sống, không có gì là mê tín, ảo tưởng.
Đi vào thế giới Phật, thế giới của Pháp hoa, Phật nói từ đây hành giả phát Bồ-đề tâm, tiếp tục tu lên nữa, không phải tan biến thành mây khói. Thấy Phật, phát tâm hành Bồ-tát đạo vào tam giới cứu đời cho đến khi thành tựu quả vị Phật.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhap-khong-mon-vao-the-gioi-phat-post64350.html