Nhật Bản cảnh báo có thể tiếp tục can thiệp để hỗ trợ đồng yen
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản cảnh báo nước này có thể tiếp tục can thiệp vào thị trường để ổn định tỷ giá. Tuần trước, thị trường đồn đoán rằng Nhật Bản đã bỏ ra khoảng 60 tỷ USD để hỗ trợ cho đồng nội tệ.
Hôm 7/5, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cảnh báo rằng Tokyo có thể sẽ phải hành động để chống lại các diễn biến vô trật tự, mang tính đầu cơ trên thị trường ngoại hối.
Ông Kanda nói với các phóng viên: “Tỷ giá nên được duy trì ở mức ổn định, theo các nguyên tắc cơ bản và nếu thị trường hoạt động tốt thì tất nhiên chính phủ chẳng cần can thiệp”.
“Tuy nhiên, khi có những biến động quá mức hoặc diễn biến vô trật tự do tình trạng đầu cơ, thị trường sẽ không hoạt động bình thường và chính phủ có thể phải có hành động thích hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn như trước”, Reuters dẫn lời ông Kanda nói thêm.
Thị trường đồn đoán rằng Tokyo đã can thiệp ít nhất hai lần vào tuần trước để hỗ trợ đồng yen (JPY) sau khi đồng tiền này tụt xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy các cơ quan chức năng đã chi hơn 9.000 tỷ JPY (tương đương 58,4 tỷ USD) để bảo vệ đồng nội tệ. Kết quả là đồng tiền này đã tăng từ mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 JPY đổi 1 USD lên khoảng 154 JPY đổi 1 USD vào chiều ngày 7/5 (giờ Việt Nam).
Trước đó, vào tháng 9 và tháng 10/2022, Tokyo ước tính cũng đã chi khoảng 60 tỷ USD để can thiệp vào thị trường.
Ông Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết Nhật Bản không muốn phải can thiệp vào thị trường vì dự trữ ngoại hối hạn chế. Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo các động thái như vậy chỉ được chấp nhận trong một số trường hợp hiếm hoi.
Theo vị chuyên gia, Thứ trưởng Kanda có thể đang muốn đi trước một bước với lời cảnh báo sớm vì ông muốn cố định tỷ giá ở dưới mức 155 JPY đổi 1 USD cho đến ngày 15/5, thời điểm Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4.
Khi được hỏi về những đồn đoán gần đây rằng Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường, ông Kanda cho biết thông lệ chung là nhà điều hành không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Ông Kanda lưu ý, một số quốc gia khác cũng đã bày tỏ mối lo ngại về biến động của thị trường ngoại hối trong cuộc họp mở màn cho hội nghị của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ASEAN+3 (gồm 10 thành viên ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Ông nói: “Những mối lo ngại hiện nay không chỉ giới hạn ở mỗi Nhật Bản”.