Nhật Bản 'cởi trói' cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo
Nhật Bản hy vọng những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ cung cấp những khả năng tiên tiến mà nước này cần trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Nhật Bản hôm 26/3 đã nới lỏng các quy định chuyển giao thiết bị quốc phòng nghiêm ngặt để cho phép xuất khẩu trên toàn thế giới các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo sẽ được nước này cùng phát triển với Anh và Italy, xóa bỏ rào cản cho dự án 3 bên.
Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đã phê duyệt các hướng dẫn cập nhật về “3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng” sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông và đối tác liên minh là Đảng Komeito đồng ý về các quy tắc xuất khẩu sửa đổi vào ngày 15/3.
Các quy tắc được sửa đổi quy định rằng Nhật Bản có thể xuất khẩu các máy bay chiến đấu mà Tokyo-London-Rome dự định triển khai vào năm 2035, cho một quốc gia thứ 3, nhưng loại trừ việc chuyển giao các máy bay chiến đấu cho một quốc gia đang có chiến sự.
Nhật Bản cần có kế hoạch xuất khẩu để đảm bảo có thể phát triển máy bay chiến đấu có khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh của đất nước, và “xứ sở mặt trời mọc” có thể tham gia dự án 3 bên với Anh và Italy với tư cách là “đối tác bình đẳng”, Nội các cho biết.
Các quy định mới cũng cho biết, điểm đến của máy bay chiến đấu xuất khẩu sẽ bị giới hạn ở các quốc gia đã ký hiệp ước với Nhật Bản về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, với số lượng hiện là 15, bao gồm cả Mỹ – đồng minh an ninh thân cận của Nhật Bản.
Ngoài ra, mỗi trường hợp riêng lẻ cần có sự phê duyệt riêng của Nội các trước khi thương vụ đó được thực hiện.
Những hạn chế về xuất khẩu máy bay chiến đấu đã được thực hiện khi Đảng LDP bảo thủ do ông Kishida lãnh đạo cố gắng trấn an Komeito, theo truyền thống là một đảng theo chủ nghĩa hòa bình có lập trường ôn hòa về các vấn đề an ninh, lo ngại Nhật Bản có thể bán vũ khí mà không có quy trình thích hợp và kích động xung đột.
Thủ tướng Kishida nói rằng việc cho phép Nhật Bản chuyển máy bay chiến đấu cho nước thứ 3 là cần thiết để đảm bảo chi tiêu hiệu quả cho việc phát triển máy bay chiến đấu và duy trì uy tín của Tokyo với tư cách là đối tác trong các dự án quốc phòng quốc tế khác trong tương lai.
Theo Hiến pháp của nước này, Nhật Bản đã duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí do quốc tế hợp tác phát triển sang nước thứ 3.
Trong bối cảnh sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chương trình máy bay chiến đấu với 2 thành viên NATO nói trên đánh dấu thỏa thuận phát triển thiết bị phòng thủ chung đầu tiên của Nhật Bản với một số quốc gia khác ngoài Mỹ.
Nhật Bản hy vọng những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ cung cấp những khả năng tiên tiến mà nước này cần trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Tokyo đã “cởi trói” cho xuất khẩu vũ khí với một số điều kiện nhất định sau khi dỡ bỏ chính sách cấm vận vũ khí vào năm 2014, nhằm tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia có cùng chí hướng và thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa liên quan thông qua xuất khẩu vũ khí và đạn dược.
Vào tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã sửa đổi các quy định xuất khẩu vũ khí để cho phép vũ khí sản xuất trong nước theo giấy phép nước ngoài được vận chuyển đến quốc gia nơi bên cấp phép đặt trụ sở.
Minh Đức (Theo Nikkei Asia, AP)