Nhật Bản khủng hoảng gạo
Khủng hoảng giá gạo đang buộc Nhật Bản phải tung ra nhiều biện pháp mạnh tay như nhập khẩu gạo Hàn Quốc lần đầu tiên sau 25 năm hay xả hàng trong kho dự trữ quốc gia.

Nhiều người Nhật Bản chấp nhận ăn gạo nhập khẩu vì hàng nội địa giá quá cao. Ảnh: Reuters.
Guardian đưa tin chuyến hàng đầu tiên kể từ năm 1999 từ Hàn Quốc đã tới Nhật Bản vào tháng 3, khi giá gạo trong nước tiếp tục tăng bất chấp nỗ lực hạ giá của chính phủ. Trong tuần từ ngày 6/4, giá gạo nội địa Nhật đạt mức trung bình 30 USD/5 kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024, thúc đẩy nhu cầu về gạo nhập khẩu bất chấp mức thuế quan cao.
Số lượng gạo Hàn Quốc được bán trực tuyến và tại siêu thị vẫn tương đối thấp, chỉ ở mức 2 tấn, song các bên có kế hoạch vận chuyển thêm 20 tấn trong những ngày tới.
Người tiêu dùng Nhật Bản, theo truyền thông, hoài nghi về chất lượng và hương vị của gạo nhập khẩu. Ví dụ, vào năm 1993, lượng gạo từ Thái Lan gần như ế ẩm. Song, cuộc khủng hoảng hiện tại đã buộc người Nhật phải thay đổi khẩu vị và góc nhìn.
Theo Yonhap News, xuất khẩu gạo của Hàn Quốc sang Nhật Bản dự kiến đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, trong khi cuộc khủng hoảng cũng mở ra cơ hội xuất khẩu tiềm năng cho các nhà sản xuất tại Mỹ.
Arata Hirano - người đứng đầu một nhà hàng ở Tokyo - đã chuyển từ gạo nội địa sang gạo Mỹ. Hirano cho biết giá gạo Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ lần đầu anh mua hồi mùa hè năm 2024, song vẫn rẻ hơn gạo nội địa. Và chủ nhà hàng không nhận được bất cứ khiếu nại nào từ thực khách khi phát hiện loại gạo họ đang tiêu thụ không đến từ Nhật Bản.
“Tôi không biết gì cả. Tôi không ngại ăn gạo nhập khẩu. Giá cả tăng nên tôi tìm kiếm những lựa chọn hợp lý hơn”, Miki Nihei - một khách hàng - chia sẻ.
Tình hình khó khăn tới mức chính phủ Nhật Bản buộc phải thực hiện bước đi bất thường: Giải phóng 210.000 tấn gạo trong kho dự trữ hồi tháng 3. Trước đây, Nhật Bản chỉ dùng gạo trong kho dự trữ sau thảm họa thiên nhiên hoặc mất mùa, song đây là lần đầu tiên chính phủ can thiệp vì vấn đề phân phối và hậu cần. Tuy nhiên, biện pháp này không có nhiều tác động.
Trong số 142.000 tấn gạo dự trữ từ phiên đấu giá đầu tiên, chỉ có 426 tấn đã được chuyển đến các siêu thị và cửa hàng tính tới cuối tháng 3. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nêu nguyên nhân thiếu xe giao hàng và cần thời gian sắp xếp mặt hàng trước khi tung ra thị trường.
Dự trữ gạo của Nhật Bản cạn kiệt do nắng nóng ảnh hưởng đến mùa vụ năm 2023 và một phần vì lượng tiêu thụ tăng do số khách du lịch kỷ lục. Nguồn cung cũng bị tác động bởi tâm lý hoảng loạn sau cảnh báo bão và động đất.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhat-ban-khung-hoang-gao-post1547960.html