Nhật Bản: Lạm phát ở Tokyo tăng tốc

Theo dữ liệu công bố ngày 27/12, lạm phát lõi tại Tokyo, Nhật Bản tăng tốc vào tháng 12 trong khi lạm phát dịch vụ vẫn ổn định, duy trì kỳ vọng của thị trường về đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

Một cửa hàng của hãng thời trang Uniqlo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một cửa hàng của hãng thời trang Uniqlo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp đã giảm vào tháng 11 lần đầu tiên sau ba tháng, cho thấy nhu cầu ở nước ngoài giảm đang ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ xem xét kỹ lượng những dữ liệu này tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 23 – 24/1, khi một số nhà phân tích dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất ngắn hạn.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Tokyo, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống biến động, đã tăng 2,4% vào tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, so với dự báo trung bình của thị trường là tăng 2,5%.

Một chỉ số khác loại trừ cả chi phí thực phẩm tươi sống và nhiên liệu, được BoJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo tốt hơn về lạm phát do nhu cầu thúc đẩy, đã tăng 1,8% vào tháng 12 so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 1,9% vào tháng 11.

Giá cả trong lĩnh vực dịch vụ tăng 1,0% vào tháng 12 sau mức tăng 0,9% vào tháng 11, nhấn mạnh quan điểm của BoJ rằng mức tăng lương bền vững đang thúc đẩy các công ty tính phí dịch vụ cao hơn.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Masato Koike tại Sompo Institute Plus cho biết: “Có khả năng mức lương cao hơn sẽ được chuyển vào giá dịch vụ, đây là điều tích cực đối với BoJ trong việc bình thường hóa chính sách”.

Dữ liệu lạm phát tại Tokyo - chỉ báo hàng đầu cho các xu hướng trên toàn quốc, được những nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm manh mối về mức độ tiến triển của Nhật Bản trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% của BoJ một cách bền vững - một điều kiện tiên quyết để có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Nhưng một số nhà phân tích nhận thấy dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế Nhật Bản và đà tăng giá có thể trì hoãn thời điểm tăng lãi suất của BoJ.

Lạm phát ở Tokyo tăng chủ yếu là do hóa đơn tiện ích tăng và giá thực phẩm như gạo, điều này có thể ảnh hưởng đến mức tiêu dùng và khiến các công ty không muốn tăng giá thêm nữa.

Dữ liệu riêng công bố cùng ngày cho thấy sản lượng công nghiệp giảm 2,3% trong tháng 11 so với tháng trước do sản lượng thiết bị chip và ô tô giảm, làm dấy lên lo ngại về sức phục hồi kinh tế mong manh của Nhật Bản.

Nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities - Toru Suehiro, người dự kiến BoJ sẽ hoãn việc tăng lãi suất vào tháng 1 cho biết: “Khi loại bỏ tác động của việc tăng hóa đơn tiện ích, không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát mạnh”.

BoJ đã chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 và tăng lãi suất chính sách ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7 vì cho rằng Nhật Bản đang đạt được tiến triển vững chắc trong việc đạt được mục tiêu lạm phát.

BoJ đã giữ nguyên lãi suất kể từ đó. Thống đốc BoJ - Kazuo Ueda cho biết ông muốn chờ thêm dữ liệu để đánh giá động lực tiền lương của năm tới và làm rõ chính sách mới của Chính phủ Mỹ trước khi tăng lãi suất lần nữa.

Tất cả những người trả lời trong cuộc thăm dò của Reuters được công bố vào đầu tháng này đều kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất lên 0,5% vào tháng 3/2025. Quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng này đã làm tăng sự chú ý của thị trường về việc liệu đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 23 – 24/1 hay đợt xem xét lãi suất tiếp theo vào ngày 18 – 19/3.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-lam-phat-o-tokyo-tang-toc/358260.html