Nhật Bản mở màn làn sóng sáp nhập các hãng chế tạo ô tô trên toàn cầu

Thương vụ hợp tác giữa Honda và Nissan hứa hẹn tạo nên nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới vào năm 2026. Đây không chỉ là bước ngoặt lớn của ngành ô tô Nhật Bản mà còn là minh chứng cho áp lực từ xe điện Trung Quốc và nhu cầu chuyển đổi công nghệ.

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 27/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 27/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 13/1, thương vụ hợp tác giữa hai "gã khổng lồ" ngành ô tô Nhật Bản - Honda và Nissan - vừa được công bố đang thu hút sự chú ý của giới chuyên môn toàn cầu. Dự kiến đến năm 2026, sự kết hợp này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, đằng sau thương vụ đình đám này là câu chuyện về áp lực sinh tồn của các hãng xe truyền thống trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi mạnh mẽ.

Dưới sự chỉ đạo của hai CEO Toshihiro Mibe và Makoto Uchida, Honda và Nissan đang phải đối mặt với hai thách thức lớn: sự phát triển của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và nhu cầu vốn khổng lồ cho quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện.

Thị trường Trung Quốc - từng là "miền đất hứa" béo bở của các hãng xe ngoại - đang chứng kiến sự suy giảm mạnh về thị phần. Số liệu cho thấy trong 6 tháng tính đến tháng 9/2023, doanh số của Nissan tại thị trường "tỷ dân" chỉ đạt 339.000 xe, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Tương tự, Volkswagen - thương hiệu xe từng thống trị thị trường Trung Quốc - cũng chứng kiến doanh số sụt giảm 25% trong cùng thời kỳ.

Nguyên nhân chính đến từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà sản xuất xe điện nội địa, điển hình là BYD. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, thị phần của các thương hiệu nước ngoài đã giảm mạnh từ hơn 50% xuống còn khoảng 30%. Đáng chú ý, xe năng lượng mới (bao gồm cả xe hybrid/xe lai) hiện chiếm hơn một nửa doanh số bán xe chở khách tại thị trường này.

Ngay cả phân khúc xe sang cũng không thoát khỏi xu hướng này. Porsche - biểu tượng của giới nhà giàu Trung Quốc - đã chứng kiến lượng xe giao trong 9 tháng đầu năm 2024 giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các mẫu xe điện nội địa với công nghệ tiên tiến đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Thách thức cạnh tranh từ Trung Quốc không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa. Theo Wall Street Journal, các nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc hiện chỉ hoạt động với khoảng 50% công suất, tạo áp lực xuất khẩu xe giá rẻ ra thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, việc phát triển xe điện đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ nhưng kết quả lại không chắc chắn, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Doanh số xe điện tại đây đang chậm lại và có thể tiếp tục giảm nếu chính quyền mới cắt giảm các khoản trợ cấp và ưu đãi cho xe điện.

Trước bối cảnh trên, xu hướng hợp tác và sáp nhập trong ngành ô tô đang diễn ra mạnh mẽ. Volkswagen đã liên kết với Rivian tại Mỹ và Xpeng tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định rằng làn sóng sáp nhập sẽ còn tiếp tục, đặc biệt khi các chính phủ có xu hướng ủng hộ việc tạo ra những "nhà vô địch quốc gia" trong ngành công nghiệp ô tô.

Như vậy, thương vụ Honda-Nissan có thể được xem như một tín hiệu cho thấy kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô đã bắt đầu - nơi các hãng xe truyền thống buộc phải liên kết để tồn tại và phát triển trước làn sóng xe điện và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ ở Trung Quốc.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/nhat-ban-mo-man-lan-song-sap-nhap-cac-hang-che-tao-o-to-tren-toan-cau-20250113220846784.htm