Nhật Bản nâng lãi suất cao nhất 17 năm, 'thập kỷ mất mát' sắp đi qua?
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa quyết định tăng lãi suất lên 0,5% vào ngày 24/1, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, trong bối cảnh thế giới đang theo dõi sát sao sự thay đổi trong các chính sách thương mại và thuế quan của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Đây là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của BOJ kể từ tháng 7 năm ngoái, phản ánh sự tự tin ngày càng lớn vào sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản. Ngân hàng trung ương cho rằng nền kinh tế Nhật đang đi đúng hướng, với việc tăng lương dự kiến duy trì lạm phát ổn định quanh mức 2%.
Chấm dứt "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản?
Từ đầu những năm 1990, Nhật Bản rơi vào giai đoạn được gọi là "thập kỷ mất mát" (lost decades), khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả hàng hóa gần như không biến động dù các biện pháp kích cầu mạnh mẽ đã được áp dụng, theo CNN.
Cuộc khủng hoảng bất động sản và "bong bóng" chứng khoán cuối thập niên 1990 đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng. Họ thắt chặt chi tiêu, đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy giảm phát kéo dài.
Trong giai đoạn 1991-2003, GDP Nhật Bản chỉ tăng trung bình 1,14% mỗi năm. Tổng GDP danh nghĩa từ 5.330 tỷ USD năm 1995 đã giảm xuống chỉ còn 4.210 tỷ USD vào năm 2003.
Từ đó đến 2010, tăng trưởng chỉ còn 1% - mức thấp đáng báo động so với các nền kinh tế phát triển khác. Giai đoạn 1994-2024, tổng GDP của Nhật Bản (đã tính lạm phát) chỉ tăng 1/4, trong khi Mỹ ghi nhận mức tăng gấp đôi.
Nhu cầu tiêu dùng yếu khiến các doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm. Để duy trì hoạt động, họ phải cắt giảm việc làm, giảm lương và hạn chế đầu tư vào công nghệ mới.
Hệ quả là một vòng lặp luẩn quẩn: Người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm, khiến nền kinh tế không có động lực tăng trưởng.
Điều này làm Nhật Bản dần tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ - từng là niềm tự hào của quốc gia này. Những thương hiệu điện tử đình đám một thời như Sony, Panasonic, Sharp đối mặt với khó khăn chồng chất, thậm chí phải bán mình hoặc tái cấu trúc để tồn tại.
Đầu những năm 2000, Nhật Bản đã nỗ lực kéo lạm phát lên mức mục tiêu 2%, nhưng mọi nỗ lực đều chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế Nhật Bản đang dần thay đổi. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả hàng hóa tăng cao và áp lực lao động thiếu hụt đã khiến lạm phát của Nhật Bản bất ngờ tăng trở lại.
Đây được coi là tín hiệu cho thấy một kỷ nguyên mới đang bắt đầu, khi Nhật Bản có cơ hội thoát khỏi "thập kỷ mất mát" và quay trở lại đường đua với vai trò cường quốc châu Á.
Những tín hiệu tích cực
Reuters cho biết trong cuộc họp kéo dài 2 ngày kết thúc vào ngày 24/1, BOJ đã quyết định nâng lãi suất ngắn hạn từ 0,25% lên 0,5% - mức cao nhất trong 17 năm.
Với tỷ lệ 8/1 phiếu thuận, quyết định này cho thấy rõ quyết tâm của nhà điều hành trong việc tăng dần lãi suất lên 1%, một ngưỡng được cho là lý tưởng để cân bằng nền kinh tế.
"Khả năng đạt được triển vọng của BOJ đang tăng lên", ngân hàng trung ương tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp dự kiến tiếp tục tăng lương ổn định trong các cuộc đàm phán tiền lương năm nay.
"Lạm phát cơ bản đang tiến gần hơn tới mục tiêu 2% của BOJ", ngân hàng cho biết, kèm nhận định rằng thị trường tài chính vẫn ổn định nói chung.
BOJ không thay đổi hướng dẫn về chính sách trong tương lai, tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu các dự báo về kinh tế và giá cả được hiện thực hóa. Tuy nhiên, họ đã loại bỏ cụm từ nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng các rủi ro liên quan đến kinh tế và thị trường nước ngoài.
Sau quyết định của BOJ, đồng yen Nhật tăng mạnh 0,5%, đạt 155,32 yen/USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm cũng tăng lên 0,705%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Những tín hiệu này cho thấy kỳ vọng tích cực của thị trường tài chính.
Theo báo cáo triển vọng quý, BOJ dự báo lạm phát cơ bản sẽ duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn 2% trong 3 năm liên tiếp. Tình trạng thiếu lao động, giá gạo tăng cao và chi phí nhập khẩu tăng do đồng yen yếu là những yếu tố đẩy lạm phát lên mức cao hơn.
Các doanh nghiệp lớn cũng đã cam kết tiếp tục tăng lương, và lãnh đạo liên đoàn lao động Nhật Bản nhấn mạnh rằng mức tăng lương cần vượt 5,1% - con số của năm ngoái - để đảm bảo người lao động không bị giảm thu nhập thực tế.
Hội đồng BOJ hiện dự báo lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ đạt 2,4% vào năm tài chính 2025 trước khi giảm xuống 2% vào năm 2026. So với dự báo trước đó vào tháng 10/2024, mức lạm phát cho cả hai năm tài chính 2025 và 2026 được dự đoán là 1,9%.
Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường tài chính nhìn chung vững vàng, BOJ nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác với các bất định xoay quanh chính sách của Mỹ.
Sau khi tiếp quản vào tháng 4/2023, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã chấm dứt chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ của người tiền nhiệm và đẩy lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7.
Các nhà hoạch định chính sách của BOJ liên tục khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu Nhật Bản đạt được một chu kỳ mà lạm phát tăng kéo theo lương tăng, tiêu dùng tăng và doanh nghiệp tiếp tục chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng.