Nhất trí xây dựng và ban hành hai luật liên quan đến đường bộ

Ngày 13-4, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về dự án Luật Đường bộ.

Báo cáo về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn...

 Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại diện cơ quan thẩm tra hai dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở nước ta; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thẩm tra các dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thẩm tra các dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thấy rằng, việc xây dựng 2 dự án luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan; hồ sơ đề nghị xây dựng hai luật này đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hồ sơ các dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.

Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị đưa các dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, theo tiến độ cùng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự xem xét, thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội. Mặt khác, một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cơ bản bảo đảm quy định tại Điều 37, Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ hai dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023...

Về thời gian trình luật, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ thống nhất lại về thời gian và chịu trách nhiệm về chất lượng của việc thẩm tra dự thảo luật, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự cầu thị của Chính phủ trong chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội khóa XIV và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải trình, chỉnh lý, bổ sung hai dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm hết sức, chu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng, giải trình có tính thuyết phục và bảo đảm sự thống nhất cao khi trình ra Quốc hội.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nhat-tri-xay-dung-va-ban-hanh-hai-luat-lien-quan-den-duong-bo-724852