Nhẹ gánh ông Táo về trời
Lễ cúng ông Công, ông Táo là một trong những tục lệ truyền thống của người Việt. Nghi lễ cúng giữa ba miền Bắc - Trung - Nam có những sự khác biệt, nhưng tựu trung đều thể hiện niềm mong mỏi về một năm mới sung túc, ấm no.
Không chỉ có ông Táo nặng gánh
Khác với mọi năm, năm nay lư hương chung tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, vắng bóng nhiều vật phẩm vàng mã như vãng sanh, thiên khối, thanh y, tiền trắng hay cầu kì hơn là ngựa như thông lệ. Thay vào đó, chỉ còn lại những món đồ thiết yếu như bộ quần áo cho ông Công, ông Táo và một ít tiền vàng, giản dị mà vẫn đầy đủ.
Từ quan niệm sự thành tâm xuất phát từ tấm lòng chứ không phải từ những vật phẩm vàng mã, gia đình chị Nguyễn Thị Diệp (phường Thành Công, quận Ba Đình) đã chọn mua vừa đủ những vật phẩm cần thiết và thả cá vàng, thay vì sắm sửa những lễ vật cầu kỳ như mọi năm.
Chị Diệp cho biết: “Năm nay nhà tôi cúng, làm mâm cơm và vàng mã ít hơn để phòng chống cháy nổ. Theo phong tục là có đầy đủ vàng mã thôi chứ không có nhiều như mọi năm. Bây giờ cháy nổ rất nhiều nên mọi người cũng giảm bớt mua vàng mã đi. Khu dân cư nhà tôi có một cái lư hương để mọi người cùng đốt”.
Việc người dân thay đổi thói quen đốt vàng mã đã giúp loại bỏ dần quan niệm "trần sao âm vậy", vốn gắn liền với việc cầu xin bình an, tài lộc thông qua các vật phẩm cúng bái. Điều này không chỉ làm giảm các hành vi mê tín dị đoan, mà còn hạn chế lãng phí, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường và đặc biệt là giảm nguy cơ cháy nổ, bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Và như vậy, không chỉ có ông Táo được nhẹ gánh về trời mà người dân cũng bớt đi áp lực trong những ngày cuối năm này.
Tiễn ông Táo bằng hành động thiết thực
Không đốt vàng mã, chỉ thả cá vàng vào ngày ông Công, ông Táo, đó là cách nhiều người dân tiễn các vị thần về trời. Bằng cách này, họ không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn tôn vinh đạo lý sống giản dị, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều người còn chọn làm từ thiện, cúng dường những vật phẩm thiết thực hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian bên gia đình, tưởng nhớ tổ tiên với tấm lòng thành, chứ không cần đến những nghi lễ phức tạp hay tốn kém.
Bà Lê Thị Kim Anh, ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, cho hay: “Đốt vàng mã vừa tốn kém mà cũng gây ô nhiễm môi trường. Mọi người đốt xong rồi thả hoặc nó bay lung tung cũng dễ gây cháy nổ”.
Để bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh chung, các thùng đựng túi nilong đã được đặt ở nhiều điểm người dân thả cá vàng. Điều này không chỉ giúp hạn chế việc xả rác bừa bãi mà còn khuyến khích mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ không gian sống sạch đẹp.
Giữ gìn phong tục đẹp
Gia đình chị Phạm Thu Hà (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) thường chọn ngày cuối tuần trước ngày 23 tháng Chạp để cả nhà có thời gian quây quần bên nhau, chuẩn bị mâm cơm cúng. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng mở đầu cho Tết Nguyên đán, thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với các vị thần cai quản. Mâm cỗ của gia đình chị Hà đầy đủ các món ăn cổ truyền như giò, bánh chưng, nem rán, gà luộc, được chuẩn bị chu đáo để tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời.
Với gia đình chị Hà, điều quan trọng nhất không nằm ở sự cầu kỳ hay xa hoa mà là tấm lòng thành kính, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Chị Hà cho biết: “Với gia đình mình, Tết cổ tuyền rất có ý nghĩa vì nó mang tính chất gắn kết. Do đặc thù công việc của gia đình nên mình sẽ chọn một ngày nào đó mà có đầy đủ thành viên, sau đó nhờ ông bà hỗ trợ. Mọi người sẽ chia nhau mỗi người một việc như chồng mình sẽ dọn dẹp ban thờ, bà hỗ trợ nấu cơm, mình và các bạn nhỏ đi chợ từ buổi sáng... Ngoài ra, mâm cỗ nhà mình cũng sẽ chuẩn bị các món ăn đơn giản thôi vì mọi người đều bận rộn, nhưng vẫn sẽ đảm bảo có đầy đủ những món cổ truyền và hiện đại”.
Đây không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính với thần linh, báo cáo những việc đã làm trong năm, mà còn là thời điểm ý nghĩa để cả gia đình sum họp. Qua việc chuẩn bị đồ cúng, các thành viên nhỏ tuổi trong nhà, như em Vũ Hoàng Lâm - học sinh lớp 5, được hướng dẫn cách làm những món ăn truyền thống.
Lâm không chỉ học được cách sơ chế, nấu nướng từ mẹ và bà mà còn hiểu hơn về giá trị của sự gắn kết gia đình. Em Lâm chia sẻ: “Hôm nay vào buổi sáng, con đã đi chợ cùng mẹ và xách đồ ra xe giúp mẹ. Cũng trong sáng, con đã phụ bà nạo khoai, cà rốt để làm canh. Con cảm thấy rất vui khi được ở nhà và giúp đỡ bà với bố mẹ để chuẩn bị các món ăn cúng ông Công, ông Táo về trời”.
Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai, còn ông Táo là ba vị thần trông coi việc bếp núc. Họ được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ giám sát, ghi chép những việc thiện ác của con người trong suốt một năm. Vì vậy, trong tâm thức người Việt, lễ cúng ông Công, ông Táo không chỉ là lời tri ân mà còn là dịp để tổng kết lại năm cũ, tự nhìn nhận những điều được - mất, và đón chào năm mới trong sự đoàn viên, gắn bó.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nh-ganh-ong-tao-ve-troi-298086.htm