Nhiệm kỳ mới nhiều khó khăn với chính phủ liên minh mới của Israel
Ngoài vấn đề đối nội, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng sẽ phải đối mặt với thách thức kiềm chế các thành viên trong liên minh nhằm giữ cho các mối quan hệ bang giao của Israel không gặp sóng gió.
Sau khi được quốc hội (Knesset) phê chuẩn, chính phủ liên minh mới của Israel đã tuyên thệ nhậm chức chiều 29/12, đánh dấu khởi đầu của một chính phủ cực hữu nhất từ trước tới nay, đồng thời đặt ra cho tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu những thách thức trong việc cân bằng các chính sách đối nội và đối ngoại.
Trước đó một ngày, đảng Likud của ông Netanyahu đã có được chữ ký của các đảng tôn giáo cực hữu trong bản thỏa thuận thành lập liên minh để kịp trình Knesset trước thời hạn chót.
Sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử đầu tháng 11, những tưởng quá trình đàm phán thành lập chính phủ sẽ thuận lợi, nhưng cuối cùng đảng Likud đã phải sử dụng tới gần như toàn bộ thời hạn cho phép theo luật định để cân bằng yêu cầu của các đối tác với quyền lợi bản thân cũng như định hướng chính sách của chính phủ mới.
Sau 4 cuộc bầu cử thất bại liên tiếp, chính trị gia kỳ cựu Benjamin Netanyahu buộc phải chấp nhận liên minh với 5 đảng tôn giáo, trong đó có 2 đảng cánh hữu và 3 đảng cực hữu, như một lựa chọn duy nhất nhằm thoát khỏi rắc rối pháp lý do ông vẫn đang phải hầu tòa vì các cáo buộc hình sự.
Kết quả là sự ra đời của một chính phủ cánh hữu đậm đặc nhất trong lịch sử Israel, được tạo thành từ một liên minh với đa số thành viên theo tôn giáo chính thống hoặc siêu chính thống.
Chính phủ mới cũng sẽ là tiền đề cho nhiều sự thay đổi về chính sách xã hội, tôn giáo ở trong nước, thậm chí có thể ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Nhà nước Do Thái với một số đối tác khu vực và thế giới.
Những vấn đề gai góc khiến cuộc đàm phán thành lập chính phủ kéo dài xoay quanh việc phân chia ghế trong nội các và sửa đổi một số chính sách cho phép sự can dự sâu hơn của tôn giáo vào đời sống xã hội Israel.
Cuối cùng, với ưu thế 64/120 ghế trong Knesset, liên minh của ông Netanyahu đã dễ dàng thông qua được hai đạo luật, nhờ đó ông Aryeh Deri, một thành viên chủ chốt của đảng Shas, có thể tham gia nội các mặc dù đang bị án treo do tội danh gian lận thuế; và ông Bezalel Smotrich, Chủ tịch đảng cực hữu Religious Zionism, được giữ chức bộ trưởng độc lập của Bộ Quốc phòng Israel, phụ trách các vấn đề dân sự ở khu Bờ Tây.
Bên cạnh đó, Quốc hội Israel cũng đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng quyền lực của Bộ trưởng An ninh quốc gia - chức danh dự kiến thuộc về chính trị gia cực hữu Itamar Ben Gvir.
Việc các thành viên mới trong nội các đều là cánh hữu hoặc cực hữu dẫn đến lo ngại nhiều chính sách xã hội tại Israel sẽ bị điều chỉnh theo hướng bảo thủ hơn.
Ông Smotrich từng gọi các nhóm ủng hộ nhân quyền là “mối đe dọa hiện hữu.” Ông Ben Gvir, nhân vật từng ủng hộ các hành động phân biệt chủng tộc một cách cực đoan chống người Arab, đang muốn nới lỏng quy định cho phép lực lượng an ninh sử dụng bạo lực với người Palestine.
Trong khi đó, ông Aviv Maoz, Chủ tịch đảng cực hữu Noam, người sẽ phụ trách lĩnh vực giáo dục cho Văn phòng Thủ tướng, là người công khai phản đối cộng đồng đồng tính. Thậm chí sự độc lập của tòa án có thể bị đe dọa do một số thành viên đề xuất can thiệp vào công tác nhân sự và phán quyết của tòa.
Giữa một “rừng” cánh hữu trong liên minh, đảng Likud của ông Netanyahu với chủ trương “thiên hữu, trung hữu” bỗng chốc biến thành cánh tả, khiến vai trò của Thủ tướng Israel sẽ vất vả hơn để tìm kiếm sự cân bằng trong các vấn đề đối nội.
Về đối ngoại, Thủ tướng Netanyahu cũng sẽ phải đối mặt với thách thức kiềm chế các thành viên trong liên minh nhằm giữ cho các mối quan hệ bang giao của Israel không gặp sóng gió.
Trong các nhiệm kỳ trước, ông Netanyahu là người xây dựng chủ trương hoặc góp công sức thúc đẩy nhiều xu hướng đối ngoại chính của Israel hiện nay, từ mối quan hệ đồng minh thân cận lâu năm với Mỹ, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với châu Á trong thập niên qua tới Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab Vùng Vịnh gần đây.
Trong nhiệm kỳ mới, các vấn đề lớn như cuộc xung đột với Palestine, nhân quyền hay vấn đề hạt nhân Iran, nếu không được xử lý khéo léo, sẽ làm mất lòng các đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ, điều mà Israel không bao giờ muốn xảy ra.
Liên quan đến vấn đề Palestine, Chính phủ Mỹ gần đây mặc dù khẳng định chỉ quan tâm tới các chính sách của Chính phủ Israel thay vì các mối quan hệ cá nhân (ám chỉ các nhân vật cực hữu trong chính phủ mới), nhưng “kiên quyết phản đối các hành vi làm xói mòn giải pháp hai nhà nước, bao gồm việc mở rộng khu định cư, thúc đẩy sáp nhập Bờ Tây, phá vỡ hiện trạng lịch sử của khu vực và kích động bạo lực."
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ mới của Israel tôn trọng giải pháp “hai nhà nước.” Quốc vương Abdullah II của Jordan - quốc gia giữ vai trò quản lý dân sự đối với khu vực Núi Đền đầy rẫy tranh chấp - cảnh báo chính phủ mới của Israel không nên vượt quá “giới hạn đỏ” liên quan đến các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.
Trong chuyến thăm mới đây của Tổng thống Israel tới UAE và Bahrain - hai quốc gia tham gia Hiệp định Abraham - đã xuất hiện cảnh báo khả năng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tiến sỹ Ilana Shpaizman, giảng viên chính trị học tại Đại học Bar-Ilan (Israel), không tỏ ra bi quan, với nhận định các vấn đề đối ngoại của Israel nếu có sẽ là do chính sách của chính phủ mới, thay vì trực tiếp từ các thành phần cực hữu.
Trong khi đó, chính phủ mới đã đánh tiếng sẽ không cực đoan như vẻ bề ngoài. Chuyên gia này cho rằng quan hệ đối ngoại của Israel nếu gặp sóng gió sẽ chủ yếu liên quan đến chính sách tại Bờ Tây.
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình an ninh tại Bờ Tây gần đây diễn biến căng thẳng, với cương vị phụ trách an ninh tại đây, Bộ trưởng Smotrich có thể sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự đối với vùng lãnh thổ này của Palestine. Nếu vậy, Israel sẽ phải có sự ủng hộ của EU và Mỹ và với một chính phủ cánh hữu, việc thuyết phục sẽ khó khăn hơn.
Thứ hai, có thể chính phủ mới của Israel sẽ đẩy nhanh các hoạt động thay đổi hiện trạng ở Bờ Tây hoặc vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng Arab thiểu số tại Israel.
Động thái này có thể dẫn tới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí kèm theo các bước đi quyết liệt hơn như đóng băng một số quan hệ hợp tác kinh tế.
Thứ ba, vấn đề Palestine có thể ảnh hưởng tới hợp tác giữa Israel với các nước đã ký bình thường hóa quan hệ theo Hiệp định Abraham.
Là một chính trị gia kỳ cựu, ông Netanyahu hiểu rõ hậu quả để lại cho mối quan hệ giữa Israel với các nước trong khu vực và thế giới nếu đẩy vấn đề chính sách Palestine đi quá xa. Trước đây, ông cũng từng cam kết thúc đẩy sáp nhập Bờ Tây khi tranh cử, nhưng sau đó phải trì hoãn thực hiện điều này để có thể ký các hiệp định Abraham với các nước khu vực.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng sau bầu cử đầu tháng 11, ông tuyên bố sẽ bảo vệ nền dân chủ của Israel, tôn trọng quyền cá nhân của mọi công dân và sẽ hành động đại diện cho tất cả nhân dân Israel.
Với một loạt vấn đề phát sinh liên quan đến chính sách nhập cư, pháp lý, nhân quyền, bình đẳng giới, tôn giáo… do sức ép của các đảng cực hữu trong liên minh, tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ mới đầy khó khăn để thực hiện cam kết này./.