Nhiên liệu tăng giá - Tàu cá nằm bờ

'Chúng tôi mong mỏi các cấp, các ngành hỗ trợ việc bình ổn giá nhiên liệu để ngư dân ra khơi đánh bắt thủy, hải sản, bởi ngoài việc đánh bắt thủy, sản cung cấp nguồn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của người dân, thủy, hải sản còn cung ứng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là đảm bảo đời sống cho hàng trăm ngư dân lâu đời gắn bó với nghề đi biển…'. Đó là lời tâm tình của ông Nguyễn Văn Xuyên, đại diện cho nhiều chủ phương tiện đánh bắt thủy, hải sản tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khi chia sẻ cùng chúng tôi.

Những ngày gần đây, khi đến Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề, lượng tàu cá cập cảng lên cá và tàu cá qua cảng không còn nhiều như cùng kỳ năm trước nên những chuyến tàu cá về ít đi sự hồ hởi, thay vào đó là tâm trạng lo lắng của các chủ tàu và họ luôn “ngó” xem lượng thủy, hải sản đánh bắt từ ngoài khơi vận chuyển vào bờ có đủ chi phí, chi trả nhân công cho một chuyến đi biển dài và liên tục.

Di chuyển liên tục để hướng dẫn công nhân chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho chuyến ra khơi, anh Nguyễn Văn Xuyên, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề bộc bạch: “Tôi có tổng cộng 4 tàu lớn đánh bắt thủy, hải sản trên biển, mỗi tàu có trọng tải 100 tấn và các tàu đều đánh bắt tầm trên 3 tháng mới vào bờ một lần. Nhưng vài tháng trở lại đây, việc đánh bắt cá xem như là “giữ chân” người lao động, bởi giá nhiên liệu tăng cao, còn giá bán các loại thủy, hải sản không tăng nên lợi nhuận thu về từ nguồn thủy, hải sản khai thác được không đáng kể. Để ra khơi đánh bắt, một chiếc tàu cá của tôi có chi phí lên đến 1 tỷ đồng, trong đó gồm chi phí dầu 70.000 - 80.000 lít (giá dầu hơn 30.000 đồng/lít), cộng thêm các khoản chi phí khác như: thức ăn dự trữ, tiền nước đá, tiền trả công nhân… Theo tính toán, một chuyến đi biển trong thời điểm giá xăng dầu cao như hiện nay thì lợi nhuận cho chủ tàu không đáng kể, thậm chí phá huề bởi cùng kỳ năm trước, mỗi chuyến ra khơi chủ tàu thu lợi nhuận khoảng 60%, còn hiện tại do vật giá tăng cao, nhất là giá nhiên liệu nên lợi nhuận mỗi chuyến đi biển chỉ còn khoảng 10 - 20%”.

Số lượng tàu cá cập Cảng cá Trần Đề giảm nên sản lượng thủy, hải sản qua cảng không dồi dào như cùng kỳ năm trước. Ảnh: TL

Số lượng tàu cá cập Cảng cá Trần Đề giảm nên sản lượng thủy, hải sản qua cảng không dồi dào như cùng kỳ năm trước. Ảnh: TL

“Thời điểm này giá dầu đã giảm được vài trăm đồng nhưng vẫn còn cao so cùng kỳ năm trước, vẫn ở mức “tiệm cận” với 30.000 đồng/lít nên chưa đảm bảo cho ngư dân đánh bắt thủy, hải sản thu về lợi nhuận tốt. Vì vậy, tôi mong rằng các cấp chính quyền có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ ngư dân đánh bắt ngoài khơi “bình ổn” giá nhiên liệu, để các chủ tàu cá tiếp tục duy trì việc đánh bắt thủy, hải sản trên biển đem về nguồn thực phẩm phục vụ cho thị trường và đảm bảo đời sống cho công nhân tham gia đi biển nhiều năm qua…” - ông Nguyễn Văn Xuyên thông tin thêm.

Có đến 2 cặp ghe cào đánh bắt trên biển nhưng neo đậu mấy tháng qua tại khu vực Cảng cá Trần Đề, ông Nguyễn Văn Thơ, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề cho biết: “Hơn 3 tháng qua, 2 cặp ghe cào của tôi không ra khơi, nguyên nhân là do giá nhiên liệu tăng cao nên chi phí cho một chuyến đi tốn kém rất nhiều. Để ra khơi, 1 cặp thuyền phải tiêu tốn tầm 1,2 tỷ đồng tiền nhiên liệu và các phí khác đi kèm, cùng với đó lượng thủy, hải sản đánh bắt trên biển không nhiều nên lợi nhuận thu về không đảm bảo cho một chuyến ra khơi. Chính vì vậy, tôi ngưng đánh bắt trên biển mấy tháng qua, chờ giá nhiên liệu sụt giảm mới tính đến việc tiếp tục ra khơi. Qua đó, tôi mong các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ các chủ tàu cá trong việc bình ổn giá nhiên liệu, có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển, kèm theo đó là giảm phí dịch vụ các máy giám sát thiết bị hành trình, để giảm thêm các chi phí hỗ trợ các tàu cá trong thời điểm khó khăn khi giá nhiên liệu ở mức cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tàu cá ra khơi bám biển và tạo việc làm cho người lao động, ổn định đời sống…”.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có tổng số 996 tàu đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có 336 tàu đánh bắt thủy, hải sản xa bờ. Theo đó, trong các tháng đầu năm 2022, số lượng tàu cá ngưng hoạt động khoảng 80%, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng và thời tiết bất lợi, sản lượng khai thác thủy, hải sản trên biển không đảm bảo chi phí cho chuyến ra khơi nên các chủ tàu cá ngưng đi đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 5 cho đến thời điểm hiện tại đang vào mùa đánh bắt thủy, hải sản nên số lượng tàu ra khơi đánh bắt gần 60%. Bên cạnh đó, số lượng tàu qua cảng giảm 15% và sản lượng thủy, hải sản qua cảng giảm 15% so cùng kỳ năm trước, dự đoán đến cuối năm 2022, sản lượng thủy hải sản qua cảng không bằng cùng kỳ năm trước.

Đồng chí Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thông tin, hiện nay khó khăn chung của hầu hết ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên biển là do giá nhiên liệu tăng cao và giá bán các loại thủy, hải sản không tăng dẫn đến việc ra khơi khai thác của các tàu cá không hiệu quả nên nhiều tàu cá ngưng hoạt động. Việc các tàu cá ngưng hoạt động cũng làm ảnh hưởng đến khâu dịch vụ hậu cần nghề cá. Vì vậy, để hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển tốt hơn, phía đơn vị tạo mọi điều kiện về hậu cần cho ngư dân khi ra khơi, cùng với đó là phục vụ tốt nhất các dịch vụ tại cảng cá và nghiên cứu việc giảm phí đối với các tàu cá neo đậu thời gian dài tại cảng. Đồng thời, để hoạt động khai thác biển của ngư dân hiệu quả trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao, chúng tôi mong rằng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy, hải sản trên biển, để hoạt động khai thác biển của tỉnh Sóc Trăng thuận lợi hơn.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/nhien-lieu-tang-gia-tau-ca-nam-bo-58031.html