Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới

Sốp Cộp là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm tới 96,7% dân số, tỷ lệ hộ nghèo 24,64%, hộ cận nghèo chiếm 14,35%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhân dân, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số..., góp phần từng bước nâng cao đời sống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đầu năm 2022, niềm mơ ước được sử dụng điện lưới quốc gia của 50 hộ dân tộc Mông ở bản Huổi Lạ, xã Mường Lèo đã thành hiện thực, khi công trình Trạm biến áp Huổi Lạ 50KVA-35/0,4 KV khởi công từ tháng 4/2021 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Mỗi hộ được hỗ trợ miễn phí lắp đặt đường dây dẫn, công tơ, bảng điện và 1 bóng điện.

Đóng điện lưới quốc gia tại Trạm biến áp Huổi Lạ, xã Mường Lèo.

Đóng điện lưới quốc gia tại Trạm biến áp Huổi Lạ, xã Mường Lèo.

Ông Sùng A Cháng, Trưởng bản Huổi Lạ, phấn khởi: Có điện về bản, chúng tôi vui lắm, nhiều hộ trong bản đã sắm ti vi và các vật dụng thiết yếu để phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của bà con được mở mang hơn. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm.

Còn bà con các bản Huổi Phúc, Sam Quảng cũng vui không kém khi tuyến đường hơn 10 km từ trung tâm xã Mường Lèo về bản đã được rải nhựa. Công trình có tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng, từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo 30a, 135. Sau 2 năm thi công, cuối năm 2021, tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp gần 80 hộ dân của hai bản đi lại thuận tiện, yên tâm tập trung sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa nông sản thuận tiện.

Ông Vàng Tộng Lâu, người có uy tín của bản Sam Quảng, phấn khởi: Có đường mới, niềm mơ ước bao đời của dân bản đã thành hiện thực. Giờ trời mưa, hay trời nắng đều đi được xe máy; xuống trung tâm xã chưa đầy 30 phút đã tới nơi, chứ không phải mất cả ngày như trước. Ngô, sắn của bà con sản xuất ra được tư thương đánh xe ô tô về đến tận bản mua. Tôi sẽ vận động bà con trong bản thường xuyên bảo vệ, bảo dưỡng tuyến đường được sử dụng lâu dài.

Đường về bản Huổi Phúc, Sam Quản, xã Mường Lèo được rải nhựa phẳng phiu, giúp bà con đi lại thuận tiện.

Đường về bản Huổi Phúc, Sam Quản, xã Mường Lèo được rải nhựa phẳng phiu, giúp bà con đi lại thuận tiện.

Mường Lèo là xã biên giới xa nhất của huyện Sốp Cộp, có 13 bản, 689 hộ, 4.311 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Trước đây, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, diện mạo nông thôn đang được thay da, đổi thịt từng ngày; con đường 60 km từ trung tâm huyện Sốp Cộp đến trung tâm xã đã được trải nhựa; tuyến đường nối trung tâm xã đến với các bản được bê tông kiên cố; hệ thống điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo và góp phần hoàn thành từng bước các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đó là nhờ việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Đến nay, 100% bản của xã đã có điện lưới quốc gia, 98% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 4 bản có đường kiên cố ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm bản, còn 9 bản ô tô đến trung tâm bản vào mùa khô; 100% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 11 bản có nhà văn hóa kiên cố...

Giống như Mường Lèo, xã Sam Kha cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, xã có 9 bản, 612 hộ, với 3.762 nhân khẩu; toàn xã có trên 72% hộ nghèo. Địa hình nhiều đồi dốc cao, thiếu mặt bằng để sản xuất; trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, xã đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng..., góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Hưởng lợi từ Chương trình 135, năm 2018, gia đình anh Sùng Nỏ Tra, bản Púng Báng, xã Sam Kha được hỗ trợ 2 con con bò sinh sản, giờ đàn bò đã phát triển được 4 con. Anh Tra chia sẻ: Nhờ Đảng và Chính phủ có những chính sách ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, nên gia đình tôi có cơ hội vay vốn phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Tôi vui lắm, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò với các hộ dân trong bản, để cùng vươn lên có cuộc sống khá giả hơn.

Đồng chí Giàng A Sệnh, Bí thư Đảng ủy xã Sam Kha, cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ Chương trình 30a, 135, xã đã thực hiện 21 dự án, với tổng số vốn trên 3,4 tỷ đồng, hỗ trợ trên 500 hộ trên địa bàn xã nuôi 148 con bò giống sinh sản, trồng 23,6 ha cây ăn quả các loại..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% đến 5%/năm.

Mô hình nuôi bò sinh sản của người dân xã Sam Kha.

Mô hình nuôi bò sinh sản của người dân xã Sam Kha.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Sốp Cộp đã huy động hơn 700 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 30a, 135 và xây dựng nông thôn mới. Đầu tư xây dựng mới hơn 80 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường lớp học và bệnh viện; duy tu bảo dưỡng hơn 50 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; thực hiện 185 mô hình, dự án kinh tế, như trồng cam, quýt, chăn nuôi đại gia súc; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ về y tế, đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Ngoài ra, huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Thời gian tới, huyện tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như điện sinh hoạt, các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn triển khai hiệu quả các dự án và các tiểu dự án trên địa bàn huyện; từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhieu-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-noi-bien-gioi-48790