Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Nhiều chính sách ưu đãi đã được thiết kế cho hộ kinh doanh khi chuyển sang thành lập doanh nghiệp. Như là hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, các phần mềm; hỗ trợ đào tạo; sửa đổi các quy định, điều kiện liên quan đến hạch toán, kế toán...

Thảo luận tại tổ chiều 15/5, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với việc xây dựng, ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nghị quyết

Theo các đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm, động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện, dự thảo cũng đã quy định những chính sách vượt trội, đặc thù để kinh tế tư nhân thực sự “lớn mạnh về lượng, nâng cao về chất”, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đây là một dấu mốc rất quan trọng với nhiều nội dung đột phá chưa từng có tiền lệ, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại tổ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại tổ.

“Phải nói rằng, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất hân hoan và kỳ vọng nghị quyết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhận xét.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc làm rõ hơn nội dung về đối tượng cho vay; hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận; nguyên tắc xử lý sai phạm trong kinh doanh. Đối với các chính sách hỗ trợ, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách. Đồng thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 43 về hỗ trợ lãi suất để quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay…

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để triển khai Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ một mặt xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết của Quốc hội về triển khai những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Trong đó, nghị quyết này tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính chất cấp bách và cần phải tháo gỡ ngay để tác động đến niềm tin, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ này.

Còn với các nhiệm vụ, giải pháp cần thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật trong chương trình Kỳ họp này, Chính phủ giao cho các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật để rà soát, thể chế hóa ngay tại dự thảo luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng và chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao cho các cơ quan để nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật; hoặc trình Quốc hội để ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể.

Như vậy, theo Bộ trưởng, những nội dung trong nghị quyết này là tập trung vào vấn đề “đã rõ, đã chín”, có tính đột phá vượt trội, có thể cụ thể hóa được. Bên cạnh đó, những nội dung doanh nghiệp rất quan tâm về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần phải nghiên cứu, rà soát tiếp thì sẽ được đưa vào để định hướng và có các quy định tiếp theo.

Mỗi nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều có các chính sách phù hợp

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị quyết quy định là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Một số đại biểu băn khoăn việc ban hành các cơ chế, chính sách phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người dân, giữa các đối tượng như hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Các đại biểu thảo luận tại tổ 8

Các đại biểu thảo luận tại tổ 8

Bộ trưởng cho biết, đây cũng là những vấn đề cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và tính toán rất kĩ. Nội hàm hai nghị quyết của Chính phủ và của Quốc hội ban hành cũng là để đảm bảo mỗi đối tượng đều có các chương trình, chính sách hỗ trợ. Đối với 5 triệu hộ kinh doanh, mục tiêu là hỗ trợ các hộ phát triển, sẵn sàng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích để họ trở thành doanh nghiệp vừa và lớn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ băn khoăn của cơ quan soạn thảo là làm sao thiết kế các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, hộ kinh doanh có động lực để lớn, để phát triển thay vì cứ mãi làm hộ kinh doanh, làm doanh nghiệp nhỏ.

Do đó, khi thiết kế chính sách, cơ quan soạn thảo hướng tới kéo các chính sách ưu tiên cho hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào vào gần nhau. Ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ lớn hơn, một số quy định với hộ kinh doanh rõ ràng hơn để tránh bị lợi dụng và để họ hoạt động minh bạch hơn. Đơn cử như việc bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh là một trong các chính sách để đảm bảo các hộ kinh doanh hoạt động minh bạch hơn, nộp thuế đúng quy định hơn.

Việc minh bạch hóa các hoạt động, một mặt để đảm bảo các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn, một mặt góp phần tăng hiệu quả quản lý thu.

Bộ trưởng nêu ví dụ, khi cơ quan thuế tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, thu ngân sách đã tăng đáng kể.

Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi đã được thiết kế cho hộ kinh doanh khi chuyển sang thành lập doanh nghiệp. Như là hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, các phần mềm; hỗ trợ đào tạo; sửa đổi các quy định, điều kiện liên quan đến hạch toán, kế toán…

Nhiều quy định, điều kiện khác của doanh nghiệp cũng sẽ được đơn giản hóa để không gây khó khăn cho các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Và khi đã thành doanh nghiệp, họ sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp như miễn, giảm thuế thu nhập…

Cho biết dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong thời gian rất ngắn với khối lượng công việc rất lớn, kỳ vọng mục tiêu cao, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn tới các đại biểu Quốc hội, dù thời gian nghiên cứu chưa nhiều nhưng đã có các ý kiến đóng góp rất sâu sắc, thực tiễn.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt nhất, có tính thực tiễn và tính hành động nhất, để khi đưa ra là triển khai ngay được. Từ đó mang lại những tác động nhanh nhất, sâu sắc nhất tới doanh nghiệp, người dân./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-chinh-sach-uu-dai-ho-tro-ho-kinh-doanh-chuyen-thanh-doanh-nghiep-176526.html