Nhiều chợ truyền thống tại TP. HCM đã hoạt động trở lại
n ngày 7/10, đã có 2,3 triệu người dân TP. HCM đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3; ngày 8/10, sẽ có phương án đi lại với các tỉnh giáp ranh; dự kiến đầu năm 2022, học sinh trở lại trường; có 28/234 chợ truyền thống đã hoạt động; ...
Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và giải đáp các vần đề người dân quan tâm.
2,3 triệu người đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP. HCM thông tin về số liệu chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3.
Theo ông Lâm, đến nay, TP. HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người. Dự kiến, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ chi trả vượt trên 50%.
"Theo kế hoạch, đến 15/10, TP sẽ kết thúc chi trả đợt 3. Với tiến độ này, Sở dự đoán sẽ hoàn thành tiến độ. Sáng nay, Sở LĐTBXH họp giao ban, đánh giá khó khăn trong chi trả đợt 3 để khắc phục", ông Lâm cho biết.
Đầu năm 2022, học sinh trở lại trường
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM thông tin, hiện nay TP. HCM đang triển khai dạy và học trực tuyến.
Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ học trực tuyến khá cao, khối tiểu học trên 97%, THPT trên 99%. Khối tiểu học có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, với hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học ở các địa bàn tỉnh thành khác.
Đại diện Sở GD&ĐT TP. HCM nhận định còn nhiều khó khăn trong dạy và học vì với số lượng lớn, cùng lúc đăng nhập hệ thống khiến hệ thống bị tê liệt, thiết bị gặp khó khăn.
Sở đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng khả năng phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong bối cảnh dịch này khó để cải thiện.
Theo ông Hiếu, cách dạy tại TP. HCM có khác so với các tỉnh thành khác. Việc dạy không chỉ có livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học với học sinh trong giờ học. Hiện, TP. HCM có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.
Sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong việc triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học trong 2 tuần đầu, việc tiếp nhận kiến thức đối với khối tiểu học khá tốt. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú nên đáp ứng được khá tốt.
Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch, học sinh quay trở lại, TP. HCM có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng. 10% số cơ sở được trả lại cho ngành giáo dục để khử khuẩn, phục hồi, dạy trở lại.
“Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần, dự kiến giữa tháng 11/2021 sẽ hoàn tất việc chuyển giao và ngành giáo dục có khoảng một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Đại diện Sở GD-ĐT TP. HCM cũng thông tin, dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Ngày 8/10, sẽ có phương án đi lại với các tỉnh giáp ranh
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, mấy ngày qua cơ quan nhận được rất nhiều email của người dân xin di chuyển liên tỉnh. Để xử lý email thì phải xử lý thủ công (đọc, phân loại, xử lý), nên công việc khá chậm.
"Tuy nhiên, hôm nay Sở đã triển khai chạy trên app cổng thông tin điện tử, nên kết quả thực hiện hồ sơ nhanh hơn", ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết.
Theo ông An, việc lưu thông giữa TP. HCM và các tỉnh, TP. HCM đã gửi văn bản đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh để thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị. Đến nay, sở đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý.
Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện vaccine, xét nghiệm nên đến giờ này chưa thể thống nhất.
"TP đang xây dựng phương án đi lại giữa TP. HCM và từng tỉnh cụ thể, dự kiến sẽ có phương án trong ngày 8/10", ông An cho hay.
Có 28/234 chợ truyền thống đã hoạt động
Đại diện Sở Công Thương TP. HCM cho biết, hiện đã có 28/234 chợ truyền thống tại TP. HCM mở cửa trở lại (tập trung ở quận 5, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ).
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM thông tin, nguồn hàng về chợ đầu mối thì chưa hoạt động trở lại nhưng khu tập kết trung chuyển vẫn đang hoạt động ổn định, lượng hàng về tăng dần so mỗi ngày.
Hiện nay, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đang khẩn trương rà soát để đảm bảo an toàn khi mở lại chợ cho người dân mua sắm.