Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp cần tu bổ, nâng cấp
Hiện nay, công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu do hệ thống thủy lợi sông Nhuệ (khu vực thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng, một phần phía Bắc thành phố Phủ Lý) và hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà (khu vực các huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, một phần thành phố Phủ Lý) đảm nhiệm. Hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu và hiện đang được hoàn thiện đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế và ưu tiên cải tạo, nâng cấp một số công trình đầu mối mang tính cấp bách... nên một số công trình vẫn đang xuống cấp, rất cần được quan tâm đầu tư tu bổ, xây dựng.
Thực tế, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi của tỉnh ta những năm qua được tập trung cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương tưới, tiêu quan trọng vừa bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất, đồng thời kết hợp phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương. Giai đoạn từ năm 2021- 2025, ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh ưu tiên kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương tại các huyện: Bình Lục, Lý Nhân. Trong đó, nguồn kinh phí phân bổ cho huyện Bình Lục khoảng 384 tỷ đồng để xây dựng kênh Tân Hòa (với kinh phí 170 tỷ đồng), kênh Chính Tây (với kinh phí 92 tỷ đồng), kênh CG5 (với kinh phí 122 tỷ đồng)... Ở huyện Lý Nhân, tổng kinh phí xây dựng các tuyến kênh mương trên địa bàn là 193,7 tỷ đồng; đã triển khai xây dựng các kênh: CG2, CG4 với kinh phí 150 tỷ đồng và kênh Sông Lấp kinh phí 43 tỷ đồng; kênh CG6 kinh phí 700 triệu đồng.
Từ tháng 12/2023 đến nay, các địa phương đang tập trung nạo vét, kiên cố một số tuyến kênh, mương tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước và hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Công tác này được thực hiện tập trung ở các kênh: T4, T6 qua kênh C2, kênh CG2 phục vụ tiêu thoát nước khu công nghiệp Thái Hà (Lý Nhân) và hệ thống kênh thủy lợi khu vực khu công nghệ cao huyện Lý Nhân (kênh Long Xuyên, CG4, CG6,...).
Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá thực trạng hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là sau ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, toàn tỉnh bị sạt trượt mái; kênh nghiêng, đổ với tổng chiều dài hơn 3,7 km với gần 184 m2 kênh. Trong đó, huyện Bình Lục: mái ngoài kênh Đông sạt lở chiều dài 250 m, kênh CT11 sạt mái chiều dài 25 m; huyện Lý Nhân có kênh trạm bơm Quan Trung tường nghiêng, một số đoạn đổ với chiều dài 180 m, các tuyến kênh: T3, CG18 sạt cục bộ mái phía trong. Trên địa bàn Thanh Liêm, tuyến kênh Tây Nam tường nghiêng và đổ với chiều dài 300 m, kênh NT4 sạt mái ngoài chiều dài 150 m; ở huyện Kim Bảng sạt sụt bờ kênh với tổng số 12 đoạn chiều dài gần 1,1 km và thị xã Duy Tiên bị sạt lở mái, tường kênh của 3 tuyến (I4-8, I3-3-2, kênh tưới trạm bơm Tiên Phong) tổng chiều dài 220 m... Cùng với đó, trong hệ thống các trạm bơm, hệ thống cống trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều công trình xảy ra tình trạng lún, sụt, ước thiệt hại khoảng 14,7 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam cho biết: Trên cơ sở rà soát thực tế, đơn vị đã xây dựng phương án và kế hoạch sửa chữa, đầu tư và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các hạng mục công trình cần được đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp quy mô lớn, hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện rà soát thứ tự ưu tiên, khả năng cân đối nguồn vốn để tham mưu với UBND tỉnh xem xét đầu tư. Với các công trình thủy lợi xuống cấp, gây ách tắc, hạn chế dòng chảy, cần sửa chữa quy mô nhỏ... được sắp xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa trên cơ sở khả năng nguồn vốn.
Trước mắt, Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình đã xuống cấp trong năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất.