Nhiều công ty chứng khoán vẫn muốn tăng trưởng bằng lần
Bất chấp triển vọng thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều công ty môi giới vẫn tham vọng mở rộng quy mô hoạt động và đặt mục tiêu tăng trưởng cao.
Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một năm đầy biến động khi VN-Index lao dốc 33% trong năm 2022, trong khi thanh khoản tụt áp, diễn biến này khiến hàng loạt công ty chứng khoán sụt giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng.
Xu hướng thị trường tiếp tục ảm đạm trong những tháng đầu năm nay buộc nhiều công ty môi giới trong ngành phải thận trọng cho chiến lược kinh doanh, phần lớn đơn vị đều đặt mục tiêu đi lùi khi thị trường vốn bị siết chặt khiến các nguồn thu giảm mạnh.
Bất chấp sự ảm đạm chung, một số công ty chứng khoán vẫn tự tin đặt kế hoạch tham vọng, thậm chí là mở rộng quy mô để chiếm lấy thị phần của các đơn vị khác, nhất là nhóm công ty tầm trung và nhỏ.
Tăng bằng lần
Theo tài liệu mới công bố, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 565 tỷ đồng cho năm 2023, gấp gần 3,8 lần so với năm liền trước. Công ty đồng thời đặt mục tiêu lọt vào top 10 thị phần môi giới.
Ban lãnh đạo BSC đánh giá thị trường năm nay đối diện với nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Chính phủ quyết tâm trong việc thực thi các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, áp lực tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phần nào đã được giảm bớt sẽ là những yếu tố nâng đỡ, tạo đà trong năm.
Công ty được hậu thuẫn bởi BIDV còn lên kế hoạch phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên mốc 2.000 tỷ đồng, nguồn lực tăng vốn sẽ dùng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh.
Một công ty thuộc sở hữu của ngân hàng khác là VietinBank Securities (CTS) cũng đã thông qua kế hoạch tham vọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 230 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2022.
Lãnh đạo CTS cho rằng thị trường năm nay vẫn còn áp lực điều chỉnh trong nửa đầu năm và ổn định dần về cuối năm. Công ty sẽ có các giải pháp hướng tới việc mở rộng thị phần, gia tăng hoạt động môi giới, tăng dư địa cho vay ký quỹ và đặc biệt tập trung phát triển mảng M&A.
CTS sẽ tận dụng lợi thế từ ngân hàng mẹ - VietinBank - để nắm bắt xu hướng M&A khi doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm. Các định hướng chính là tư vấn chuyển nhượng, tư vấn thu xếp vốn quốc tế và dịch vụ chứng khoán cho khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) còn tham vọng hơn với mục tiêu doanh thu hoạt động gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và gấp 19 lần mức thực hiện năm 2022.
Công ty muốn đạt mức thị phần 0,5%, tỷ lệ phát triển khách hàng mới 200-300% và tăng cường doanh thu từ các hướng khác. Nhà môi giới này còn lên kế hoạch bổ sung vốn bằng phương thức chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để huy động số tiền khoảng 600 tỷ đồng.
Mở rộng quy mô
Một số công ty chứng khoán khác thì lên kế hoạch mở rộng hoạt động như Chứng khoán Tiên Phong (ORS) trình phương án chào bán tổng cộng 2.000 tỷ đồng trái phiếu và 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.
Nguồn tiền khủng thu về sẽ được dùng để bổ sung năng lực tài chính, tăng quy mô vốn nhằm thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, hoạt động đầu tư và/hoặc cơ cấu nợ của công ty.
Công ty chứng khoán được hậu thuẫn bởi TPBank cũng đặt mục tiêu doanh thu năm nay tăng trưởng 4%, lên 2.831 tỷ đồng và lãi trước thuế tăng 31% ở mức 230 tỷ đồng.
Nhà môi giới này dự báo thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, dù vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi. Các nhóm vấn đề lớn như chính sách phục hồi kinh tế, chính sách tài khóa mở rộng sẽ là khung sườn hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2023-2025.
Theo ORS, Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ phần nào trong việc thúc tăng đẩy tăng trưởng kinh tế, khối ngoại là bệ đỡ hỗ trợ quan trọng cho thị trường trong năm 2023 và 6,8 triệu tài khoản chứng khoán trong nước sẽ là động lực phát triển thị trường giai đoạn tiếp theo…
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo quy mô giao dịch năm 2023 có thể giảm nhưng vẫn đặt chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng 37%, lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng dự kiến tăng 36%, đạt mức 900 tỷ đồng.
Công ty môi giới chứng khoán thuộc MBBank còn ấp ủ mục tiêu vào lại top 5 thị phần môi giới năm nay. Trước đó, MBS đã bị rớt hạng xuống vị trí thứ 8 trên bảng thị phần môi giới cổ phiếu HoSE năm 2022.
Nhà môi giới này sẽ thúc đẩy tăng tốc doanh thu hoạt động môi giới khách hàng cá nhân, chú trọng hoạt động từ mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), phân phối trái phiếu và hoạt động đầu tư khác.
MBS còn định hướng mở rộng hạn mức tín dụng tại các tổ chức trong nước và duy trì vay vốn nước ngoài. Công ty dự kiến mở rộng nguồn vốn bằng phương án phát hành gần 45,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 11,4 triệu cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ thêm 15%.
Tương tự, Chứng khoán VIX mới đây đã trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế 676 tỷ đồng năm nay, tăng 80% so với năm 2022. Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, gia tăng thị phần và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng thừa nhận thị trường được dự báo tiếp tục khó khăn năm nay. Trong đó các yếu tố không thuận lợi sẽ tiếp diễn như dòng tiền bị thu hẹp khiến thanh khoản thấp hơn năm trước, lãi suất vay margin cao, việc triển khai các mảng hoạt động kinh doanh cũng bị hạn chế...
Công ty chứng khoán này cũng có kế hoạch tăng quy mô hoạt động với phương án phát hành hơn 29,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành 58,2 triệu cổ phiếu thưởng (tổng tỷ lệ 15%), qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 6.700 tỷ đồng.