Nhiều cử tri mong sớm triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đại biểu Quốc hội cho rằng nên cho phép vừa chở khách vừa chở hàng để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sáng 13-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Cử tri Hà Nam, Thanh Hóa mong dự án được triển khai sớm

Thảo luận về nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đại biểu (ĐB) Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) đánh giá việc triển khai dự án ở thời điểm này là phù hợp, giải quyết được hạ tầng giao thông thiết yếu, mở ra không gian phát triển mới.

Theo ông Nguyên, nếu dự án được triển khai, việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện. Ông Nguyên tính toán với tốc độ 350km/h thì đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội và ngược lại chỉ mất trên dưới 30 phút, thay vì mất 2 tiếng như hiện nay.

 Đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) thảo luận tại tổ sáng nay. Ảnh: AH

Đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) thảo luận tại tổ sáng nay. Ảnh: AH

“Bây giờ bay từ sân bay Thọ Xuân đi TP.HCM hết 1h45 phút nhưng từ địa điểm đến sân bay đã hết 1 tiếng. Đến sân bay lại ngồi chờ làm thủ tục hết 1 tiếng nữa, chưa kể thời gian delay thì vào đến TP.HCM cũng mất 4-5 tiếng.

Do vậy, tôi nghĩ rằng đi lại bằng đường sắt tốc độ cao thủ tục đơn giản hơn nhiều, thời gian đi lại cũng không thua máy bay nên hiệu quả kinh tế sẽ rất tốt. Tóm lại, cá nhân tôi và cử tri rất mong chờ dự án này được triển khai sớm” - ĐB đoàn Thanh Hóa nói.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng cho hay cử tri Hà Nam rất mong muốn dự án sớm triển khai theo lộ trình.

Hà Nam không có sân bay, không có biển, muốn đi vào các tỉnh miền Nam thì bắt buộc phải ra Hà Nội để đi máy bay. Tuy nhiên, quãng đường từ Hà Nam ra Hà Nội, nếu đường xá thuận lợi thì cũng mất 2 tiếng, còn tắc đường có thể mất đến 3-4 tiếng.

“Như chúng tôi thì chúng tôi sẽ đi tàu cao tốc” - bà Hiền bày tỏ.

Lo dự án lỗ vốn nặng nếu chỉ chở khách mà không chở hàng

Cũng thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng tình với mục tiêu như dự thảo Nghị quyết đã nêu. Tuy nhiên còn băn khoăn với một số vấn đề.

Thứ nhất, ĐB cho hay theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia thì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có cự ly quá dài, hơn 1.500 km. Hiện chưa một tuyến đường sắt tốc độ cao nào trên thế giới đạt tới. Trong khi đó, mật độ dân cư dọc tuyến không đủ cao, không huy động đủ khách đi tàu.

ĐB cũng lo ngại vì nước ta hiện tại chưa làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao nên có thể có tình trạng phải phụ thuộc nhà đầu nước ngoài và nguy cơ cao bị đội vốn.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: AH

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: AH

Dự toán ban đầu là đầu tư 1,7 triệu tỉ đồng nhưng nếu đội vốn như một số dự án thực tế triển khai thì đó là điều rất đáng lo lắng. Nếu có tình trạng này, tôi băn khoăn nguy cơ dự án có thể bị lỗ. Thực tế cho thấy một số dự án đường sắt tốc độ cao của một số nước có nguy cơ thua lỗ. Như đường sắt tốc độ cao Đài Bắc – Cao Hùng từng lâm vào nguy cơ phá sản.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Một vấn đề băn khoăn nữa là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chủ yếu chở hành khách.

ĐB dẫn số liệu của Bộ GTVT là thị phần vận tải hàng hóa của đường sắt trên hành lang Bắc Nam chỉ là 0,5 - 1%. Trong khi của đường bộ 50,66%, gấp 50 lần đường sắt.

“Nếu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ phục vụ chở hành khách mà không chở hàng hóa thì tôi e rằng vấn đề đảm bảo chi phí cho dự án sẽ khó khả thi. Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu vẫn duy trì tốc độ 340km/h, có thể chúng ta phải bù lỗ hơn 2,3 tỉ USD/năm, chưa kể chi phí bảo dưỡng. Tôi rất ủng hộ chủ trương này nhưng băn khoăn về hiệu quả kinh tế” – ĐB nói.

ĐB cũng cho hay, giá vé dự kiến gần 2 triệu đồng từ Hà Nội – TP.HCM nhưng so với Vietjet cũng khó cạnh tranh. Cùng với đó, số liệu khách tham gia đi tàu theo dự tính nghiên cứu tiền khả thi trên 14% là dựa trên cơ sở tính toán nào?

Ngoài ra, ĐB cho biết Chính phủ cũng đang trình để nâng cấp tuyến đường sắt 1m hiện hữu, dùng cho vận tải hàng hóa. Song tuyến đường sắt 1m đó từ lâu đã không cạnh tranh nổi với đường bộ.

ĐB đề xuất nên chăng chúng ta có thể tính toán phương án với hình thức vừa đầu tư nhà nước, vừa đầu tư tư nhân, bước đầu vận tốc tối đa chỉ nên là 250km/h, vừa chở khách vừa chở hàng.

“Theo tính toán của các chuyên gia, phương án 250km/h vừa chở khách vừa chở hàng dự kiến có lợi nhuận 3,47 tỉ USD/năm” – ông Bình nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-cu-tri-mong-som-trien-khai-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post819613.html