Nhiều điểm du lịch nước ngoài tăng các khoản phí để hạn chế du khách

Một số thành phố vốn là điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đã bắt đầu áp dụng các biện pháp để 'kiểm soát mức độ đông đúc'. Các biện pháp này thường là đặt ra một kiểu phí mới hoặc hạn chế giờ giấc. Những điều này tác động thế nào đến du khách?

Sau khi những biện pháp hạn chế đi lại vì dịch bệnh được gỡ bỏ, nhiều nước đã có những chính sách để thu hút du khách. Nhưng dường như sự cân bằng là điều rất khó để đạt tới, nên bây giờ nhiều nơi lại muốn hạn chế số lượng du khách tới những địa điểm nhất định.

Đó là vì quá nhiều du khách có thể làm rối loạn đời sống của cư dân địa phương, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, làm tăng ô nhiễm do giao thông… UNESCO cũng cảnh báo nguy cơ là những khu vực được bảo tồn có thể bị làm hư hại nếu có quá đông du khách.

Một công nhân đang dựng tấm màn ngăn để che bớt khung cảnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản) vào ngày 21/5/2024, nhằm làm giảm số du khách tập trung ở đây ngắm núi nhưng xả đầy rác. Ảnh: AFP.

Một công nhân đang dựng tấm màn ngăn để che bớt khung cảnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản) vào ngày 21/5/2024, nhằm làm giảm số du khách tập trung ở đây ngắm núi nhưng xả đầy rác. Ảnh: AFP.

Vì vậy, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở nhiều nước đã bắt đầu có những biện pháp để hạn chế du khách, nhằm giữ được truyền thống và văn hóa của địa phương, khuyến khích du lịch bền vững.

Một số điểm du lịch vốn thu hút du khách Việt cũng đã áp dụng các biện pháp nói trên, tổng hợp từ các trang Independent, MSN Business Insider:

Bãi biển Maya, Thái Lan: Bãi biển ở Ko Phi Phi Leh (Thái Lan) này từng phải đóng cửa một thời gian để khôi phục cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái sau khi đón đến 5.000 du khách mỗi ngày. Hiện nay, việc bơi ở vịnh vẫn bị cấm. Du khách chỉ được phép tham quan trong một tiếng. Thuyền máy cũng bị cấm ở vịnh.

Du khách không được phép bơi trong vịnh ở Bãi biển Maya (Thái Lan) để bảo vệ hệ sinh thái. Ảnh: Getty.

Du khách không được phép bơi trong vịnh ở Bãi biển Maya (Thái Lan) để bảo vệ hệ sinh thái. Ảnh: Getty.

Penang, Malaysia: Đây là địa điểm đầu tiên ở Đông Nam Á cấm các nền tảng cho thuê phòng nghỉ ngắn ngày như Airbnb từ giữa năm 2023. Theo quy định, chỉ những cơ sở thương mại mới được cho khách thuê phòng nghỉ ngắn ngày. Việc này cũng phải có phí đăng ký và sự đồng ý của ít nhất 75% cư dân sống trong tòa nhà có phòng cho thuê.

Bali, Indonesia: Từ tháng 2 năm nay, Bali đã đưa ra khoản thuế du lịch là 10 đôla Mỹ (khoảng 255.000 đồng). Du khách sẽ phải nộp khoản tiền này trước khi tới Bali, ngoài ra du khách có thể được nhận một cuốn sổ ghi rõ những hành vi được chấp nhận ở đây (để không thực hiện những hành vi không được chấp nhận).

Rất đông du khách ở Bali (Indonesia). Ảnh: The Bali Sun.

Rất đông du khách ở Bali (Indonesia). Ảnh: The Bali Sun.

Okinawa, Nhật Bản: Từ tháng 4/2023, số du khách có thể tới đảo Iriomote thuộc Okinawa mỗi ngày không được vượt 1.200 người. Đây là cách để địa phương này bảo vệ hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống của người dân.

Barcelona, Tây Ban Nha: Từ tháng 4 năm nay, Barcelona tăng thuế du lịch thành phố từ 5,25 euro lên 6,75 euro/đêm (186.000 đồng) đối với du khách ở các khách sạn 5 sao. Khoản tiền này được trả cho Hội đồng Thành phố. Ngoài ra, du khách vẫn phải trả thuế du lịch chung (3,50 euro/đêm, là khoảng 96.000 đồng). Tất nhiên, tiền khách sạn thì du khách vẫn phải trả bình thường.

Một đường phố đông đúc du khách ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: Getty.

Một đường phố đông đúc du khách ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: Getty.

Các nhà phân tích đều thống nhất rằng những khoản phí như trên sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, đồng nghĩa với việc số tiền du khách phải chi để đi du lịch sẽ ngày càng tăng.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhieu-diem-du-lich-nuoc-ngoai-tang-cac-khoan-phi-de-han-che-du-khach-post1641432.tpo