Nhiều điểm sáng từ cơ cấu lại nền kinh tế
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, từng bước tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuyến đường tỉnh 178, đoạn qua xã Nấm Dẩn (Xín Mần) được nâng cấp, tạo thuận lợi thúc đẩy liên kết trong phát triển kinh tế vùng.
Ngày 9.12.2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 37 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương, giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Hà Giang. Chính sách ra đời tạo cơ sở quan trọng để cơ cấu lại đầu tư công, phát huy vai trò của đầu tư công trong việc dẫn dắt đầu tư, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó, tỉnh ta đã thực hiện nghiêm việc xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn trong phạm vi tổng mức đầu tư; cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 39.600 tỷ đồng, đạt 72,1% so với kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, từ những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển mạnh thành phần kinh tế tư nhân, toàn tỉnh có 36 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 332 dự án, vốn đầu tư đăng ký trên 47.100 tỷ đồng. Có 656 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên hơn 3.600 doanh nghiệp với vốn đăng ký gần 36.000 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm được triển khai như: Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang; cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông kết nối như: Bắc Quang – Xín Mần (ĐT.177); đường Minh Ngọc – Mậu Duệ (ĐT.176B); đường tỉnh 183 và đường Phố Cáo – Đồng Yên (Bắc Quang) đến giáp ranh huyện Lục Yên (Yên Bái); Khu liên hợp Thể thao và Văn hóa tỉnh; dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn – tiểu dự án tỉnh Hà Giang... Đi liền với đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng được thực hiện chặt chẽ đã góp phần khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án đến triển khai, quyết toán, nghiệm thu công trình, đảm bảo việc bố trí, sử dụng vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định.
Cùng với kết quả trên, không gian kinh tế được cơ cấu lại đã từng bước thúc đẩy liên kết trong phát triển kinh tế vùng và thực hiện hiệu quả quá trình đô thị hóa. Trong quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng phương án phát triển các hành lang kinh tế của tỉnh, gồm: Hành lang theo tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Quốc lộ 2 và đường tỉnh 184 là hành lang phát triển kinh tế đô thị (cấp tỉnh) – thương mại, dịch vụ – cửa khẩu quốc tế – du lịch; hành lang theo tuyến đường tỉnh 178 – Quốc lộ 4C – Quốc lộ 4D – đường tỉnh 280 là hành lang động lực phát triển kinh tế biên mậu – du lịch – đô thị (cấp huyện); hành lang theo Quốc lộ 279 là hành lang động lực kinh tế đô thị – dịch vụ – công nghiệp; hành lang theo Quốc lộ 280 – Quốc lộ 2C – đường tỉnh 184, kết nối các đô thị (trung tâm tăng trưởng vùng) là hành lang động lực phát triển kinh tế – du lịch – dịch vụ. Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với các tỉnh giáp ranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đặc biệt, từ chủ trương phát triển đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cấp ủy tỉnh; đến nay, toàn tỉnh có 19 đô thị đã được phân loại (tăng 5 đô thị so với năm 2020) gồm 1 đô thị loại III (thành phố Hà Giang), 1 đô thị loại IV (thị trấn Việt Quang – Bắc Quang) và 17 đô thị loại V. Hệ thống đô thị đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2022 đạt 20,26%, tăng 4,44% so với năm 2020. Riêng tại thành phố Hà Giang, nhiều dự án phát triển đô thị đang được triển khai như: Dự án Khu dân cư đô thị mới Phương Thiện, Ngọc Hà, Hà Sơn, Phú Hưng hay khu Trung tâm Thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại Shophouse Hà Giang…
Không dừng ở kết quả trên, tỉnh ta còn tập trung cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa, tiềm năng, lợi thế vùng. Trong đó, triển khai nhiều chương trình trọng tâm như: Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; phát triển bền vững cây cam Sành; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; quyết liệt thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu như năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,13% thì năm 2022 đạt 7,62% (tương đương 16.270,1 tỷ đồng). Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt gần 30.600 tỷ đồng, tăng gần 3.300 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến hết năm 2023 ước đạt 37,4 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 30,38% (năm 2021) xuống còn 28,76%, tập trung vào sản xuất và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 22,98% (năm 2021) lên 25,39%; khu vực dịch vụ duy trì ở mức trên 40%. Thêm một ấn tượng khác, năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta tăng 18 bậc so với năm 2021 để vươn lên thứ 41 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Thông qua cơ cấu lại nền kinh tế, tỉnh ta đang từng bước hướng tới các mục tiêu quan trọng, đó là: Phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử toàn quốc; phát triển du lịch bền vững dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, cải thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững QP-AN, chủ quyền biên giới quốc gia.