Nhiều doanh nghiệp BĐS tích cực trả nợ trái phiếu ngay đầu năm 2025

Bước sang năm 2025, thị trường trái phiếu bất động sản đang dần hồi phục với những tín hiệu khả quan, đặc biệt khi một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã kịp thời thanh toán nợ đúng hạn.

Ngay từ đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang rất tích cực xóa nợ trái phiếu. Mới đây, CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) đã thông tin về việc tiếp tục hoàn tất mua lại trước hạn 15 gói trái phiếu phát hành từ năm 2020 với tổng giá trị là 5.110 tỷ đồng. Vào đầu tháng 1 vừa qua, công ty này cũng đã mua lại trước hạn 5 gói trái phiếu NVL2020 với tổng giá trị là 1.550 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm đầu tháng 2/2025, Novaland đã mua lại tổng cộng 20 lô trái phiếu với giá trị 6.660 tỷ đồng, trong tổng số 21 lô trái phiếu theo kế hoạch công bố trước đó. Hiện tại, công ty chỉ còn 1 lô trái phiếu trị giá 340 tỷ đồng cần mua lại để hoàn tất mục tiêu mua trước hạn 7.000 tỷ đồng, công ty đang sắp xếp nguồn tài chính để hoàn tất việc mua lại 1 gói trái phiếu còn lại trong thời gian sớm nhất.

Được biết, 21 lô trái phiếu này được Novaland phát hành từ năm 2020 với thời hạn 60 tháng và đã được phê duyệt gia hạn kỳ hạn. Trong đó, một phần trái phiếu đang trong tình trạng quá hạn thanh toán lãi, toàn bộ gốc và lãi sẽ đến hạn thanh toán trong giai đoạn tháng 6-8/2025.

 Dự án của Novaland. Ảnh: NVL.

Dự án của Novaland. Ảnh: NVL.

Doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG) cũng công bố hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ đáo hạn vào tháng 3/2029, nhưng đã được công ty mua lại trước hạn tới 5 năm.

Tương tự, Công ty Cổ phần Bất động sản HT Land (HT Land) mới đây đã gửi văn bán đến các trái chủ thông báo sẽ dồn nguồn lực để thanh toán hai lô trái phiếu mã H79CH2124001 và H79CH2123002 có tài sản bảo đảm là dự án tại Bình Dương.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng dồn lực mua lại trái phiếu trước hạn. Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (mã: HPX) cũng hoàn tất mua lại toàn bộ 390 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tháng 12/2024, không còn dư nợ trái phiếu. Công ty bất động sản An Gia (mã: AGG) cũng từng rốt ráo triển khai việc này, nhằm đưa dư nợ trái phiếu về 0...

Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ gánh nặng trái phiếu cũng như “cơn khát” vốn. Thậm chí một số doanh nghiệp sẵn sàng đảo nợ bằng cách tăng vay ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu mới, dù hoạt động kinh doanh và triển khai dự án vẫn gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của VIS Rating, số lượng tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã giảm rất nhiều trong năm 2024; trong quý IV/2024 vẫn chưa ghi nhận trường hợp công bố chậm trả phát sinh mới.

Tuy nhiên, các khoản trái phiếu đã chậm trả, đang trong quá trình xử lý, phải gia hạn hoặc đàm phán với trái chủ tái cấu trúc nợ vẫn còn đó. VIS Rating ước tính tổng quy mô trái phiếu doanh nghiệp gặp tình trạng chậm trả cho tới nay là khoảng hơn 190.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh có tín hiệu khởi sắc

Xét về tình hình kinh doanh trong quý IV/2024, Novaland ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.779 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể giúp lợi nhuận gộp tăng gần 4 lần, lên mức 1.967 tỷ đồng.

Chi phí tài chính ghi nhận mức tăng từ 251 tỷ đồng của cùng kỳ lên 1.254 tỷ đồng, chủ yếu do lãi hợp đồng hợp tác đầu tư và lỗ chênh lệch tỷ giá. Kết quả, lãi sau thuế quý IV/2024 chỉ còn 25,6 tỷ đồng, giảm 98% so với mức 1.443 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế cả năm 2024, Novaland ghi nhận 9.073 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 91% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 109 tỷ đồng, giảm 92%, do biên lợi nhuận bị thu hẹp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu hơn 1.600 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 4.351 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng nợ vay của Novaland ở mức hơn 61.500 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn vốn, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ kênh ngân hàng. Trong đó, nợ trái phiếu chiếm hơn 37.300 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng sau 1 năm.

CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG): Nam Long báo lãi sau thuế quý IV/2024 đạt 1.327,2 tỷ đồng, tăng 175,5% so với quý IV/2023, đồng thời cao gấp 24 lần khoản lãi 54,5 tỷ đồng đạt được trong 3 quý đầu năm 2024.

Kết quả tích cực của quý IV đóng góp lớn vào tình hình kinh doanh cả năm của Nam Long. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của công ty đạt 7.196 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.382 tỷ đồng, tăng lần lượt 126% và 72,6% so với năm 2023, tương ứng vượt 8,1% doanh thu và 68,3% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Nam Long đạt 30.308 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Đáng chú ý, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của Nam Long tăng mạnh từ 2.540 tỷ đồng lúc đầu năm lên hơn 5.443 tỷ đồng...

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Nam Long tại cuối năm 2024 đạt 15.742 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm, bao gồm 3.024 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, 1.027 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 2.887 tỷ đồng vay ngắn hạn, 4.074 tỷ đồng vay và nợ dài hạn…

CTCP Bất động sản An Gia (mã: AGG): An Gia ghi nhận doanh thu thuần hơn 163 tỷ đồng quý IV/2024, giảm so với cùng kỳ năm liền trước. Trong quý, doanh thu tài chính của AGG suy giảm nhưng chi phí tài chính lại tăng gấp 5 lần, chủ yếu do phải trích lập dự phòng đầu tư.

Lũy kế cả năm 2024, An Gia ghi nhận 1.913 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 261 tỷ đồng, lần lượt giảm 51% và 43% so với năm 2023. Song, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại tăng 70%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã vượt 20% kế hoạch doanh thu và vượt 19% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của AGG đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giảm 25%.

Đáng chú ý, giá trị hàng tồn kho của công ty đã giảm mạnh từ hơn 2.000 tỷ đồng cuối năm 2023 xuống còn dưới 800 tỷ đồng vào cuối năm 2024, cũng là mức thấp nhất trong 6 năm qua. Việc giảm mạnh hàng tồn kho chủ yếu nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh bàn giao các dự án. Hiện hàng tồn kho của An Gia chủ yếu tập trung tại 4 dự án: The Westgate (352 tỷ đồng), The Standard (153 tỷ đồng), Signial (195 tỷ đồng) và The Sóng (30 tỷ đồng).

Tại thời điểm ngày 31/12/2024, An Gia có tổng dư nợ vay 1.417 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là vay ngắn hạn, tăng mạnh so với đầu năm.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhieu-doanh-nghiep-bds-tich-cuc-tra-no-trai-phieu-ngay-dau-nam-2025.html