Cà Mau sẽ giữ vững vị thế xuất khẩu tôm

Ngành nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau đã và đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Trong bối cảnh nhiều thách thức từ dịch bệnh, biến động giá cả và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, việc phát triển ngành tôm bền vững là mục tiêu quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi với ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẽ các giải pháp mà ngành nông nghiệp đang triển khai hướng đến ngành tôm bền vững.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẽ các giải pháp mà ngành nông nghiệp đang triển khai hướng đến ngành tôm bền vững.

- Thưa ông, những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến như thế nào?

Ông Phan Hoàng Vũ: Tình hình phát triển nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực. Ðặc biệt, cơ cấu sản xuất đã thay đổi nhanh chóng, công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, giúp tăng năng suất và sản lượng NTTS. Ðến cuối năm 2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 278.600 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 242.000 tấn, đạt 99,59% so với kế hoạch, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 869 kg/ha/năm, tăng 38 kg/ha/năm so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1.120 triệu USD.

Cụ thể, hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 188.000 ha, năng suất bình quân từ 500-550 kg/ha/năm, có một số hộ nuôi đạt 600-700 kg/ha/năm theo quy trình 2 giai đoạn. Nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.025 ha, năng suất trung bình 20,5 tấn/ha/năm; diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 1.509 ha, năng suất đạt từ 5-8 tấn/ha/năm; trên 84.000 ha nuôi tôm quảng canh kết hợp, với năng suất trung bình từ 300-350 kg/ha/năm.

Ngoài ra, Cà Mau cũng phát triển diện tích nuôi tôm chứng nhận để phục vụ xuất khẩu, hiện có 9 chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic và nhiều chứng nhận khác. Tổng diện tích tôm được chứng nhận đạt khoảng 22.590 ha, trong đó chủ yếu là tôm - rừng và tôm - lúa.

Toàn tỉnh có trên 6.500 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với trên 7.300 hộ nuôi.

Toàn tỉnh có trên 6.500 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với trên 7.300 hộ nuôi.

- Dịch bệnh tôm luôn là một trong những thách thức lớn đối với ngành tôm Cà Mau. Ngành có những biện pháp gì để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra?

Ông Phan Hoàng Vũ: Dịch bệnh tôm là vấn đề luôn được Sở NN&PTNT quan tâm. Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành tôm Cà Mau. Ðể giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra, ngành nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số biện pháp chủ động như: hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong đó có tôm nuôi; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Báo cáo đề xuất kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực để chủ động sử dụng, hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh; triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh theo đúng mùa vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc các quy định về báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh thủy sản cho cơ quan thú y theo đúng quy định, bảo đảm thông tin đầy đủ, số liệu chính xác để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo dịch bệnh và chỉ đạo điều hành.

- Tình hình giá tôm giảm mạnh trong những năm qua gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Ông có thể chia sẻ những giải pháp mà ngành đang triển khai để hỗ trợ người nuôi tôm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất?

Ông Phan Hoàng Vũ: Ðể giúp người nuôi tôm ổn định sản xuất trong bối cảnh giá tôm biến động, ngành nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp như: rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành tôm, xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bao gồm công nghệ tự động hóa, IoT, công nghệ Nano để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Hợp tác với các địa phương xây dựng các vùng sản xuất tập trung, gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng tôm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi tôm, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất.

- Trong tương lai, tỉnh Cà Mau có định hướng gì để phát triển bền vững ngành nuôi tôm và nâng cao giá trị xuất khẩu tôm, góp phần phát triển kinh tế địa phương?

Ông Phan Hoàng Vũ: Ðể phát triển bền vững ngành nuôi tôm, chúng tôi định hướng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh ở các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Ðưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng tôm, giảm giá thành, hướng tới không sử dụng hóa chất và kháng sinh trong suốt quá trình nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết với các vùng sản xuất lớn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của tôm Cà Mau trên thị trường thế giới. Phát triển các sản phẩm gia tăng từ phế phụ phẩm trong chế biến tôm, góp phần bảo vệ môi trường và tăng giá trị sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau tại các thị trường trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ ngành tôm phát triển bền vững.

Với các định hướng này, Cà Mau kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những tỉnh dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu tôm trong nước và quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Phượng thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ca-mau-se-giu-vung-vi-the-xuat-khau-tom-a37143.html