Nhiều doanh nghiệp cảng biển tiên phong xanh hóa

Không chỉ cam kết, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã và đang nỗ lực xây dựng cảng xanh để bắt kịp lộ trình, đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc sau năm 2030.

Nhiều sáng kiến xanh

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại cảng Gemalink - một trong những cảng nước sâu lớn nhất cả nước tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu và ghi nhận, xung quanh các dãy nhà công vụ đều là những "rừng cây" bao phủ.

Các tòa nhà văn phòng Gemalink được trồng rất nhiều cây xanh bao quanh nhằm giảm sử dụng điện năng.

Các tòa nhà văn phòng Gemalink được trồng rất nhiều cây xanh bao quanh nhằm giảm sử dụng điện năng.

Gọi là rừng bởi đi vào bên trong, nếu không có biển chỉ đường, nhiều người rất dễ bị lạc bởi các khuôn viên cây cối um tùm, xanh mướt. Các tòa nhà văn phòng được thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng, thông gió tự nhiên, giảm sử dụng điện năng.

Gemalink cũng đang thực hiện các sáng kiến xanh như trồng rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng đến đáp ứng các tiêu chí của mô hình cảng xanh và thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh tại Việt Nam.

Theo một lãnh đạo Gemalink, cảng đang trong quá trình được đánh giá tiêu chuẩn cảng xanh TCCS 02:2022 CHHVN và đã đạt chứng nhận ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, giúp kiểm soát hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng. Cảng đã áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chuẩn quốc tế ISO 14001, ISO 45001, ISO 9001, ISO 14064-1, ISPS…

Các đơn vị phục vụ trong cảng đều hướng đến giao thông xanh, sử dụng các phương tiện ít ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ số, giảm lượng phương tiện lưu thông trong cảng, sử dụng các mô hình thu gom rác thải, quản lý chất thải, nhất là dầu nhớt từ các phương tiện xe cộ, tàu biển… để giảm phát thải.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng

Gemalink cũng là một trong những cảng đầu tiên thực hiện kiểm kê và báo cáo khí thải nhà kính, hướng đến thực hiện lộ trình giảm phát thải, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, 95% thiết bị khai thác tại cảng vận hành bằng điện lưới.

Hướng đến mục tiêu giao thông xanh toàn diện, Gemalink đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động khai thác cảng và logistics. Cảng đã ứng dụng thành công nền tảng SmartPort và SmartGate của Gemadept, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu việc đi lại cho các khách hàng.

Cùng với đó, Gemalink đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại các khu vực nhà chờ xe buýt, đang nghiên cứu lắp điện mặt trời áp mái trên các nhà xưởng, văn phòng…

Xanh để phát triển bền vững

Đại diện Công ty TNHH LDDV Container Quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) chia sẻ với Báo Giao thông, Ban lãnh đạo cảng SSIT rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của Chính phủ, BGTVT và Cục Hàng hải Việt Nam. Để tiến tới cảng xanh, SSIT đã lập kế hoạch hành động tổng thể và tự đánh giá cảng xanh giai đoạn 2024 - 2030.

Đoàn viên thanh niên cảng Gemalink tích cực trồng cây để xanh hóa cảng.

Đoàn viên thanh niên cảng Gemalink tích cực trồng cây để xanh hóa cảng.

"Với lịch sử hơn 17 năm hình thành và phát triển, ngay từ ban đầu, cảng đã được thiết kế và đầu tư đồng bộ, tương đối hiện đại, hiện đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, các phương tiện khai thác chính và đi vào khai thác tàu hàng container từ năm 2018 theo đúng thiết kế ban đầu. Các đơn vị phục vụ trong cảng hướng đến giao thông xanh, sử dụng các phương tiện ít ô nhiễm môi trường. Xanh để phát triển bền vững…", đại diện SSIT nói.

Các phương tiện khai thác chính của cảng đang sử dụng gồm có cẩu bờ STS, cẩu khung bánh lốp RTG đều sử dụng điện lưới, riêng chỉ có xe đầu kéo chở container và các xe buýt chạy nội bộ cảng là sử dụng dầu diesel.

SSIT đầu tư và sử dụng rộng rãi công nghệ số trong mọi hoạt động từ khai thác đến điều hành cảng như: Giảm lượng phương tiện lưu thông trong cảng, từ đó giảm phát thải; cảng luôn chú trọng việc bảo dưỡng phương tiện sử dụng dầu diesel cũng như bố trí hợp lý thời gian, lịch trình sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình khai thác nhằm hạn chế lượng khí phát thải. Cảng sử dụng các mô hình thu gom rác thải, quản lý chất thải, nhất là dầu nhớt từ các phương tiện xe cộ, tàu biển…

Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để thực hiện cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0". Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Lộ trình phát triển mô hình cảng xanh tại Việt Nam được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc từ sau năm 2030.

Mai Huyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-doanh-nghiep-cang-bien-tien-phong-xanh-hoa-192240830094333915.htm