Nhiều đơn vị chi nguồn cải cách tiền lương chưa đúng

Theo cơ quan kiểm toán, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập hoặc trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỉ lệ; còn một số địa phương chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu...

Chiều 16/5, Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023, báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 1077 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 16.600 tỷ đồng (bao gồm tăng thu ngân sách Trung ương là hơn 12.900 tỷ đồng, tăng thu ngân sách địa phương là hơn 3.600 tỷ đồng).

Chính phủ cũng trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 với tổng số thu cân đối hơn 3 triệu tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bội chi hơn 291.000 tỷ đồng, tổng mức vay của NSNN là hơn 482.000 tỷ đồng.

Tại báo cáo quyết toán NSNN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến hết ngày 31/12/2023, số dư kinh phí cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương là hơn 149.200 tỷ đồng; số dư cải cách tiền lương của các địa phương là hơn 387.000 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2023 chuyển sang năm 2024 là hơn 536.000 tỷ đồng, bao gồm ngân sách địa phương là hơn 387.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hơn 149.000 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tại các bộ, cơ quan Trung ương, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập, trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỉ lệ; chưa quyết định tỉ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn cải cách tiền lương; không thuộc đối tượng trích lập nhưng vẫn trích.

Cũng theo ông Tuấn, tại các địa phương, một số địa phương chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu, dẫn đến trong năm ngân sách Trung ương bổ sung song cuối năm vẫn còn dư nguồn cải cách tiền lương.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo kiểm toán (Ảnh: Media Quốc hội).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo kiểm toán (Ảnh: Media Quốc hội).

Bên cạnh đó, có 11/56 địa phương theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp hơn 3.700 tỷ đồng; 18/56 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định gần 1.400 tỷ đồng.

Có 6 địa phương được Kiểm toán Nhà nước xác định lại nguồn cải cách tiền lương đến 31/12/2023 cao hơn số Bộ Tài chính thông báo thẩm định.

Theo quy định hiện hành, việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương từ 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước liền kề; 40% thu sự nghiệp, 35% thu viện phí; 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên…

"Việc phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán là để tạo nguồn cải cách tiền lương song dự toán thu lại có xu hướng lập không sát khả năng thực tế, dẫn tới số tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho cải cách tiền lương, trong khi nhiều nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác lại thiếu nguồn để chi", ông Tuấn nêu thực tế.

Ông Tuấn cho biết, qua tổng hợp nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho thấy, số dư lũy kế nguồn này tăng nhanh qua các năm (năm 2021 là gần 263.000 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 432.000 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 536.000 tỷ đồng) và tại Nghị quyết số 159 ngày 13/11/2024 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025 đã mở rộng phạm vi sử dụng nguồn cải cách tiền lương.

Về sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, 2025 cho thấy, tổng kinh phí cải cách tiền lương đã sử dụng là 185.659 tỷ đồng.

"Như vậy, đến năm 2025 nguồn cải cách tiền lương năm 2023 chuyển sang 2024 vẫn còn dư 350.735 tỷ đồng, trong khi số dư nguồn tích lũy cải cách tiền lương nêu trên chưa bao gồm khoản phải trích tạo nguồn cải cách tiền lương các năm 2024, 2025", ông Tuấn nêu.

Trang Trần

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhieu-don-vi-chi-nguon-cai-cach-tien-luong-chua-dung-192250516163827694.htm