'Liên kết ở ĐBSCL kiểu tôi đặt cọc, tới vụ tôi lấy lúa, thế thôi'
Việc liên kết chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long yếu và thiếu do còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như thị trường nông sản không ổn định, doanh nghiệp thiếu vốn, nông dân ngại thay đổi và không tuân thủ hợp đồng, thiếu niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.
Thiếu lòng tin, chưa sẵn sàng chia sẻ lợi ích
Nhiều hạn chế, vướng mắc trong liên kết chuỗi lúa gạo được nêu ra tại Hội thảo Vai trò và các giải pháp thu hút, vận động nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, diễn ra ngày 13/5, tại Cần Thơ.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Môi trường dẫn khảo sát cho thấy, số lượng hợp tác xã (HTX) của các tỉnh khá lớn, nhưng tỷ lệ HTX có liên kết chuỗi giá trị không nhiều. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng báo cáo có hợp đồng liên kết với HTX, nhưng thực chất chỉ hợp đồng thu mua sản phẩm. Do đó, tỷ lệ diện tích, sản lượng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có liên kết thấp.
Việc liên kết chuỗi giá trị nông sản ở ĐBSCL còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường nông sản không ổn định; DN thiếu vốn; nông dân ngại thay đổi, không tuân thủ hợp đồng; DN ký hợp đồng liên kết nhưng không đầu tư ứng trước cho nông dân; năng lực hạn chế của HTX; thiếu niềm tin giữa DN, HTX và nông dân…
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Tiến Thuận, TP. Cần Thơ - cho rằng, việc sản xuất manh mún, thiếu tập trung, thiếu liên kết, yếu kỹ thuật, khiến nông sản làm ra không ổn định về số lượng và không đồng đều về chất lượng, tiêu thụ khó khăn. Một phần nguyên nhân do nhận thức của cả HTX và DN chưa đầy đủ, thiếu lòng tin, dẫn đến thiếu tích cực, chủ động trong tìm kiếm đối tác liên kết, hợp tác phù hợp, muốn thông qua thương lái cho tiện. HTX và DN khó tìm được tiếng nói chung, chưa sẵn sàng chia sẻ khó khăn và lợi ích.

Đại diện doanh nghiệp nói về khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết. Ảnh: CK.
Bà Trần Thị Kim Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ - cho biết, khó khăn, hạn chế trong liên kết lúa gạo do đặc thù sản xuất nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, khó ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và cơ giới hóa. Dẫn đến chất lượng nông sản không đều, khó trong thu gom, chế biến, làm giảm sức cạnh tranh và giá trị nông sản.
Cũng theo bà Thúy, phần lớn HTX thiếu vốn để cung cấp các dịch vụ (vật tư đầu vào, máy móc thiết bị…). Trong khi DN thiếu vốn đầu tư cho liên kết. Chuỗi giá trị rời rạc, khó truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.
Nói mãi vẫn chưa đổi
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến lương thực Green Hậu Giang - cho biết, dù liên kết, nhưng tới vụ giá nông sản thay đổi, quan hệ giữa DN và HTX, nông dân thường xảy ra mâu thuẫn, như vụ Đông Xuân 2024-2025 (giá lúa gạo xuất khẩu giảm sâu khi vào vụ, thấp hơn nhiều khi đặt cọc lúc đầu vụ, nên xảy ra bỏ kèo - PV). Từ đó, ông Tuấn đề xuất ký hợp đồng với HTX mức giá sàn trước khi thu hoạch khoảng 30 ngày. Đến ngày thu hoạch giá thị trường sụt hoặc tăng vài trăm đồng 2 bên cùng chia sẻ.
Ông Tuấn cũng đề xuất tính minh bạch trong liên kết, nhưng DN không mua hết sản phẩm, HTX được liên kết thêm DN khác, nhưng phải báo trước 30 ngày để các bên tìm đối tác khác. Trong Đề án 1 triệu ha không thể thiếu vai trò của ngân hàng, hiệnmột số DN không đảm bảo tài sản vay vốn, nên Đề án cần dành một phần vốn cho các DN đủ điều kiện tham gia chuỗi vay xây dựng kho bãi, bảo quản, để thu mua được hết lúa cho các HTX tham gia Đề án.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, vai trò của HTX rất quan trọng, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi lúa gạo.
"Vấn đề liên kết chuỗi lúa gạo họp bao nhiêu lần rồi, nhưng chúng ta thử nhìn lại ngành hàng lúa gạo đang ở đâu. Liên kết đa số ở ĐBSCL kiểu tôi đặt cọc, tới vụ tôi lấy lúa, thế thôi. Vụ Đông Xuân mới đây giá lúa giảm sâu, hàng xáo treo ghe, cò cũng bẻ kèo, bỏ cọc, trong khi mới năm ngoái giá lúa trên mây, trên trời”, ông Bình nói và cho rằng, liên kết trong chuỗi lúa gạo rất đúng, rất cần nếu muốn phát triển, chỉ có con đường này.

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Ảnh: CK.
TS. Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - đề xuất, các cơ quan cấp tỉnh xác định và công bố diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại từng xã, để mời DN cùng tham gia liên kết.
“Cần xác định rõ quan điểm Đề án là tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, sản xuất bền vững, tăng thu nhập người trồng lúa, giảm phát thải để bán tín chỉ carbon là mục tiêu cuối cùng”, ông Hải lưu ý.