Nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần tại thị trường Anh

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại nông sản giữa Việt Nam và Vương quốc Anh liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chỉ riêng năm 2024, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này đạt gần 883 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là được xem là thị trường còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.

Anh được xem là thị trường còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.

Anh được xem là thị trường còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.

Tăng tốc hợp tác, mở rộng thị phần

Việt Nam và Anh là hai thị trường có tính bổ sung cao, không trực tiếp cạnh tranh trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gỗ, cà-phê, rau quả, hạt điều, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều là những nhóm hàng Anh có nhu cầu cao. Trong khi đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Anh các sản phẩm như thuốc trừ sâu, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, cao-su...

Trong bối cảnh thương mại nông sản giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục tăng trưởng tích cực, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 883 triệu USD trong năm 2024 (tăng 15,4% so cùng kỳ), việc hai bên chủ động củng cố, mở rộng hợp tác đang được xác định là yêu cầu cấp thiết.

Thị trường hơn 70 triệu dân, với nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm hằng năm khoảng 67 tỷ USD, mang đến cơ hội lớn cho nông sản Việt nếu đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn môi trường.

Các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gỗ, cà-phê, rau quả, hạt điều, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều là những nhóm hàng Anh có nhu cầu cao.

Các mặt hàng chủ lực như thủy sản, gỗ, cà-phê, rau quả, hạt điều, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều là những nhóm hàng Anh có nhu cầu cao.

Ông Phương Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK), cho rằng doanh nghiệp Anh hiện có nhu cầu lớn về các nguồn cung nông sản chất lượng cao, ổn định và đáng tin cậy. Với lợi thế sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng hợp tác nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn xanh.

Ông Paul Rooke, Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Anh, cũng nhận định cà-phê robusta Việt Nam có tiềm năng lớn tại Anh, nhưng doanh nghiệp cần hiểu sâu thị trường, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thương mại công bằng, môi trường và truy xuất nguồn gốc.

Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc phát triển sản phẩm của Tập đoàn Longdan, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất hàng Việt tại Anh, nhấn mạnh vai trò của việc giữ nguyên tên gọi địa phương (như cam Cao Phong, bưởi Năm Roi…) trong xây dựng thương hiệu. Đồng thời, việc kết hợp tiếp thị số và trải nghiệm sản phẩm tại điểm bán hàng giúp người tiêu dùng Anh dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ sản phẩm Việt.

Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian Ltd, đơn vị chuyên nhập khẩu trái cây và thực phẩm Việt Nam, cho biết nhiều sản phẩm như bưởi, dừa, thanh long, chanh leo… đã hiện diện tại các hệ thống siêu thị lớn như Waitrose, M&S, Tesco… tại Anh.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng lợi thế từ Hiệp định UKVFTA có thể không kéo dài lâu khi Anh đang tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại khác. Do đó, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, kiểm soát chi phí để cạnh tranh bằng chính giá trị cốt lõi.

Ông Thái Trần đề xuất các cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức những chương trình quảng bá thương hiệu quốc gia như Tuần hàng Việt Nam tại Anh, phủ sóng từ các thành phố lớn tới vùng nông thôn. Đây là giải pháp thiết thực để nâng cao vị thế nông sản Việt Nam tại thị trường giàu tiềm năng này.

Tăng cường liên kết chuỗi, kiểm soát chất lượng để mở rộng thị trường Anh

Đánh giá về động lực để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai quốc gia, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Daniel Zeichner khẳng định đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy thương mại nông sản song phương.

Ông Daniel Zeichner đề cao vai trò của việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong tiến trình mở cửa thị trường cho nông sản Việt. Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác song phương ký từ năm 2022, hai bên sẽ triển khai kế hoạch hành động tập trung vào kiểm nghiệm, thanh tra điều kiện vệ sinh, đánh giá rủi ro và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực.

“Hai bên cần xem xét mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố then chốt”, ông Daniel Zeichner nhấn mạnh.

Tăng cường liên kết xúc tiến tiêu thụ nông sản sang thị trường Anh.

Tăng cường liên kết xúc tiến tiêu thụ nông sản sang thị trường Anh.

Bộ trưởng Daniel Zeichner cũng đề nghị Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong việc hỗ trợ, kết nối thị trường và thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Trần Thanh Nam cũng đề nghị đề nghị các hiệp hội của Vương quốc Anh định kỳ hằng năm tổ chức hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam để xúc tiến và quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Anh.

Đồng thời, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với phía Anh để tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp tham gia tại các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu thị hiếu... tại thị trường Anh.

"Tôi đề nghị các hiệp hội, ngành hàng nông sản hai nước thiết lập kênh liên kết thông qua hiệp hội với hiệp hội, tạo các nhóm doanh nghiệp liên kết theo chuỗi cung ứng (kho lạnh, bảo quản, vận chuyển, kho ngoại quan, kết nối kênh phân phối, siêu thị…) nhằm tuân thủ đúng các quy định theo chuỗi giá trị sản phẩm, giúp giảm chi phí logistics. Từ đó, bảo đảm chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp Anh trong khâu sản xuất và chế biến, nhằm đáp ứng quy định và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Vương quốc Anh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm thâm nhập sâu vào các kênh phân phối, siêu thị và cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại Vương quốc Anh.

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-du-dia-cho-doanh-nghiep-viet-mo-rong-thi-phan-tai-thi-truong-anh-post879664.html