Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường khu vực Đông Bắc Á
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc... là những đối tác thương mại nằm trong khu vực thị trường Đông Bắc Á và là điểm đến lý tưởng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm duy trì sự phục hồi xuất khẩu đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng thương mại, kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt triển khai giải pháp đồng bộ phát triển ngoại thương của Việt Nam; trong đó, khu vực Đông Bắc Á với những thị trường quan trọng sẽ được xác định làm trọng tâm.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc... là những đối tác thương mại nằm trong khu vực thị trường Đông Bắc Á với quy mô dân số 1,6 tỷ người, là điểm đến lý tưởng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm có trên 100 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường này; trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang các quốc gia và vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc).
Đến thời điểm này, các đối tác quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á đều đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Đáng lưu ý, các FTA này là nhân tố hỗ trợ phát triển trao đổi thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực Đông Bắc Á, đồng thời giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, mặc dù 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài nhưng xuất khẩu sang khu vực này vẫn đạt kết quả ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% trở thành điểm sáng xuất khẩu của các nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường còn lại tại khu vực Đông Bắc Á giảm nhẹ; trong đó, Nhật Bản 23,47 tỷ USD và Hàn Quốc 23,48 tỷ USD, giảm 4%, Đài Loan (Trung Quốc) 4,73 tỷ USD, giảm 7%.
Nhận định xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay, để thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á, nhiều cơ chế hợp tác mới được xây dựng đã góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp qua đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh với đối tác nước ngoài tại khu vực này.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giai đoạn 2024 - 2026 với Quảng Tây; Thành lập Trung tâm Chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu Việt Nam – Hàn Quốc)…; đồng thời tiếp tục trao đổi, xây dựng các cơ chế hợp tác mới (Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản với Bộ Thương mại Trung Quốc.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn tiếp cận thị trường các nước khu vực Đông Bắc Á; tổ chức hội nghị, tuyên truyền về các FTA (CPTPP, RCEP, EVFTA, VKFTA…), tăng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm và khai thác lợi thế từ các FTA thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, phối hợp và hỗ trợ địa phương tổ chức xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu biên giới, tập trung sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản mùa vụ của Việt Nam như vải thiều, gạo, sầu riêng, thanh long sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với những nỗ lực đó, 5 tháng đầu năm 2024, khi xuất khẩu sang khu vực này đạt khoảng 50 tỷ USD; trong đó Trung Quốc 22,6 tỷ USD, tăng 10,2%, Hàn Quốc 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%, Nhật Bản 9,5 tỷ USD, tăng 4,7%, Hong Kong (Trung Quốc) hơn 5 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc) gần 2,2 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.