Nhiều hạng mục, công trình đang cần được đầu tư tôn tạo
Lam Kinh là quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, có ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với riêng Thanh Hóa, mà còn với cả dân tộc.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh:
Đền thờ Lê Thái tổ.
Trải qua ngót 600 năm tồn tại đầy biến cố, Lam Kinh gần như đã bị hủy hoại hoàn toàn. Đến năm 1994, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh”, khu di tích mới bắt đầu được chú trọng đầu tư tôn tạo một cách tổng thể, bài bản. Nhờ đó mà hàng chục công trình quan trọng như lăng mộ các vua và hoàng hậu, các tòa Thái miếu, Nghi môn, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai... đã được khôi phục. Đồng thời, các hạng mục như hồ Như Áng, Giếng Cổ, sông Ngọc và cảnh quan thiên nhiên cũng được cải tạo và bảo vệ.
Mặc dù đã được “hồi sinh” đáng kể diện mạo uy nghi, bề thế; song, việc đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt này, vẫn luôn luôn đặt ra và cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Bởi lẽ, với diện tích rộng hàng trăm ha cùng các công trình kiến trúc nằm rải rác dưới tán rừng Lam Kinh, hoặc nằm cạnh các khu dân cư, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ di sản. Mặt khác, các công trình kiến trúc dù được làm bằng nhiều loại vật liệu, song gỗ vẫn là một trong những vật liệu chính. Trong khi, loại vật liệu này rất dễ bị hư hỏng và kéo theo sự xuống cấp của di tích.
Cùng với đó, việc cải tạo cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu di tích... cũng là nhiệm vụ thường xuyên hiện nay. Ngoài ra, để Lam Kinh thực sự trở thành điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn du khách, thì việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch cũng rất cần được quan tâm. Đặc biệt, với những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, vùng văn hóa Lam Sơn nói chung và trung tâm Khu Di tích Lam Kinh nói riêng, rất cần tiếp tục được đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện. Qua đó, có được những luận cứ khoa học, lịch sử - văn hóa, nhằm gợi hướng cho công tác bảo tồn, phục dựng và trả lại cho di sản những giá trị chân xác. Đồng thời, tiếp tục tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, mảnh đất xứ Thanh nói riêng.
Trước yêu cầu trên, mới đây, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã xây dựng Dự án “Tôn tạo các hạng mục công trình Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh”, bao gồm: cổng chào; chống xuống cấp tiền đường, hậu cung đền Lê Thái tổ; cầu qua sông Ngọc; cải tạo, trồng cây cảnh, trồng hoa trong khuôn viên khu di tích; nâng cấp, cải tạo cảnh quan không gian khuôn viên lăng Lê Thái tổ và 5 khu lăng mộ các vua và hoàng hậu; điện chiếu sáng trong khu di tích; nâng cấp đường vào khu lăng mộ, nhà bia vua Lê Túc tông... Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 55,373 tỷ đồng và thời gian thực hiện 5 năm (2021 – 2025). Mục tiêu của dự án là nhằm bảo đảm các điều kiện về hạ tầng và cơ sở vật chất, như: hệ thống giao thông, phòng cháy, chữa cháy rừng, an ninh an toàn, không gian trưng bày và làng Lam Sơn...
Điển hình trong đó là việc nâng cấp, cải tạo cảnh quan không gian khuôn viên lăng Lê Thái tổ và 5 khu lăng mộ các vua và hoàng hậu. Các hạng mục đang rất cần được chú trọng, bao gồm việc mở rộng khuôn viên sân trước lăng Lê Thái tổ; nâng cấp hệ thống tường bao khuôn viên lăng mộ; gìn giữ, bảo quản các hiện vật gốc; trồng cây cảnh quan và bổ sung hệ thống điện chiếu sáng; thay thế gạch lát sân các khu lăng mộ hiện tại bằng đá đục nhám thủ công, nhằm bảo đảm độ bền lâu dài, phù hợp với kiến trúc và an toàn cho khách tham quan... Đối với Di tích đền thờ Lê Thái tổ, cần quan tâm việc chống xuống cấp, đảo mái chống dột, chống thấm nhà tiền đường, hậu cung. Đồng thời, thay thế phần gạch lát đường nội bộ bằng đá mable 400 x 400 x 50mm, bó vỉa đá; tôn tạo, nâng cấp mới tường rào phía trước và xung quanh đền thờ; bổ sung hệ thống thoát nước bằng gạch, nắp tấm đan bê tông cốt thép; san gạt, đắp đất bổ sung, trồng cỏ, cây, hoa tại khuôn viên phía trước đền thờ...
Lăng và bia Lê Túc tông nằm cách trung tâm di tích khoảng 2 km và thuộc địa phận Đội 1 Nông trường Sông Âm (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc). Di tích này hiện đang rất cần được đầu tư nâng cấp đường vào và cải tạo khuôn viên, nhằm có được diện mạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Cổng chào Lam Kinh cũng là một trong những công trình tạo điểm nhấn kiến trúc cho Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Thế nhưng lâu nay vẫn chỉ được “dựng tạm”, nên rõ ràng là chưa xứng tầm với quy mô và giá trị của di sản. Do đó, công trình này cần được làm kiên cố, với loại hình kiến trúc phù hợp và đặt ngay trên đường vào di tích (cách đầu cầu Mục Sơn khoảng 100m về phía Bắc). Sông Ngọc ngoài việc tạo dựng cảnh quan hài hòa, còn góp phần bảo đảm việc thoát nước cục bộ cho khu di tích mùa mưa lũ. Năm 2005, dự án tôn tạo sông Ngọc đã được thực hiện, song với diễn biến khó lường của thời tiết như hiện nay, thì thoát nước từ con sông này cũng đang gặp khó khăn. Thực tế có những năm, nước từ hồ Như Áng, hồ tây Lam Kinh chảy tràn qua bờ sông Ngọc và đường Nam cầu Bạch, gây ngập lụt cục bộ tại Ban Quản lý Di tích Lam Kinh và khoảng 1/3 số hộ dân Lam Sơn. Do đó, hạng mục này hiện cũng đang rất cần sự quan tâm đầu tư cải tạo...
Việc tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn và bảo vệ di sản Lam Kinh, không chỉ góp phần nâng tầm vị thế của di tích quốc gia đặc biệt. Mà qua đó, còn cho thấy cách ứng xử đúng mực và thái độ trân trọng của hậu thế đối với “báu vật văn hóa” vô giá này.