Nhiều hội chợ, triển lãm lớn dịch chuyển về 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương
Từ ngày 21 - 23/9, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC EXPO tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra 'Triển lãm quốc tế Thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam – ITCPE – VIETNAM TEXPRINT 2023'.
Triển lãm quy tụ hơn 200 gian hàng các sản phẩm công nghệ cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục… Đây được coi như một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều hội chợ, triển lãm các ngành hàng lớn được tổ chức tại Bình Dương.
Với hơn 200 gian hàng, triển lãm tập trung giới thiệu 10 nhóm sản phẩm công nghệ cho ngành công nghiệp In thêu, gia công trang phục và sản xuất vải, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may, Phần mềm thông minh – hệ thống CAD, đo cơ thể 3D, thử trang phục 3D, thiết kế 3D thông minh…
Triển lãm lần này sẽ giúp cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp In thêu, gia công trang phục và sản xuất vải, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may… trong nước gặp gỡ, tham quan, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia đồng ngành trên thế giới. Tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận với các công nghệ sản xuất mới nhất tăng cường đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, có thêm nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, từ đó các doanh nghiệp có cơ sở định hướng đầu tư, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới theo tiêu chí "Thương mại xanh, Công nghiệp xanh"
Bình Dương hiện có trên 4.100 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau Tp.Hồ Chí Minh. Riêng giai đoạn 2020-2023, Bình Dương thu hút vốn FDI đạt 9,56 tỷ USD, vượt chỉ tiêu cả giai đoạn 2020-2025 là hơn 9 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam có hơn 7.000 doanh nghiệp về dệt may; trong đó doanh nghiệp FDI tuy chỉ chiếm 33% nhưng tổng doanh thu họ lại đạt đến 60%. Hiện nay, các nước châu Âu đều việc hướng tới là sản xuất xanh, trong khi Bình Dương là thị trường tiềm năng vì có số lượng doanh nghiệp FDI cao. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp đầu tư bài bản về những thiết bị máy móc hiện đại sẽ thay thế cho những biến động về lao động tạo ra giá thành ổn định. Việc các hội chợ, triển lãm ngành tổ chức ở Bình Dương đang dần là xu thế vì nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp, có diện tích rộng lớn cũng như quy hoạch về cơ sở vật chất bài bản, đồng bộ.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ, trong năm 2023, có hơn 9 triển lãm lớn (có quy mô hơn 100 gian hàng) và các triển lãm nhỏ trưng bày sản phẩm và cho các khách hàng mục tiêu hàng tháng đều có mặt và triển khai tại Bình Dương.
Sắp tới vào năm 2024, đã có 15 triển lãm lớn xác nhận sẽ đến Bình Dương triển khai. Điều này thể hiện vai trò kết nối, xúc tiến giao thương, thúc đẩy thương mại dịch vụ đang ngày càng phát triển tại tỉnh Bình Dương. Từ đây đến cuối năm sẽ có những ngành nghề rất quan trọng như năng lượng tái tạo, triển lãm về nước tổ chức tại Bình Dương. Sở Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục triển khai những chương trình hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ. Hi vọng đầu năm 2024, Sở Công Thương Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thu hút các ngành hàng tổ chức các chương trình lớn.