Nhiều kênh truyền hình trả tiền ngoại rút khỏi Việt Nam
Hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được siết chặt hơn, buộc các kênh truyền hình xuyên biên giới phải xác định rõ mô hình kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, một số kênh đã chuyển hướng, rút lui khỏi thị trường.
Năm bội thu của truyền hình trả tiền
Số liệu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2023, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành phát thanh, truyền hình vẫn đạt tổng doanh thu gần 23.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đạt doanh thu gần 10.500 tỷ đồng (tăng hơn 3% so với năm 2022), số thuê bao đạt gần 22 triệu (tăng hơn 19% so với năm 2022), đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.
Riêng mảng dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền hình OTT tiếp tục là tâm điểm. Mấy năm gần đây, doanh thu của truyền hình OTT tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, doanh thu truyền hình OTT mới đạt khoảng 200 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt 740 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 1.550 tỷ đồng.
Năm 2023, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ, Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung các quy định để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, loại hình cung cấp dịch vụ nội dung truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet.
Đối với nội dung về phim, Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, làm căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh, phổ biến phim trên Internet, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường phổ biến phim tại Việt Nam.
Quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên đã làm rõ những yêu cầu, điều kiện kinh doanh dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, cho phép các doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài) tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền để kinh doanh dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet với cùng mặt bằng pháp lý, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Để các doanh nghiệp nước ngoài thích ứng và tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn và thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ các dịch vụ này nhằm đảm bảo các dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài không vi phạm những điều cấm của pháp luật Việt Nam, phải tuân thủ các quy định mới ban hành giống như các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện.
Bộ đã có nhiều lượt văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải loại bỏ các nội dung truyền hình vi phạm pháp luật Việt Nam và ban hành các văn bản cho ý kiến đối với các đề xuất đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam.
Đến tháng 12/2023, cả 6 doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu, gồm Netflix, Amazon Prime Video, AppleTV, WeTV, iQIYI, MangoTV, đều đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tạm thời chỉ duy trì phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh và sẽ triển khai các bước cần thiết để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Kênh truyền hình ngoại tuân thủ pháp luật Việt Nam
Những tháng cuối năm 2023, hàng loạt kênh truyền hình quốc tế được người xem Việt Nam yêu thích đã ngừng phát sóng trên các gói dịch vụ truyền hình trả tiền, như:
National Geographic, Nat Geo Wild và Baby TV. Cả 3 kênh này đều thuộc sở hữu của The Walt Disney Company Đông Nam Á và phân phối tại Việt Nam qua MSky trên nhiều dịch vụ truyền hình trả tiền như FPT Play, TV360, ClipTV, VTC... Tháng 11/2023, Amazon Prime cũng ngừng cung cấp dịch vụ video tại Việt Nam.
Trước đó, 12 kênh truyền hình thuộc quyền sở hữu của Disney Networks Group Asia Pacific Limited, trong đó có nhiều kênh phim truyện, thể thao, hoạt hình như Fox Movies, Fox Sports, Disney Channel và Disney Junior… cùng 2 kênh truyền hình thuộc quyền sở hữu của Buena Vista International Inc (BVII) ngừng phát sóng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, một số hãng điện ảnh, kinh doanh nội dung giải trí của thế giới nhận định, tương lai không nằm ở truyền hình truyền thống, mà thuộc về dịch vụ video theo yêu cầu. Đơn cử, từ khi ra dịch vụ Disney Plus, Disney bắt đầu dồn tất cả cho ứng dụng.
Amazon Prime cùng một số dịch vụ khác đã hiện diện ở Việt Nam chọn tuân thủ quy định tại Điều 21, Luật Điện ảnh về việc phổ biến phim trên không gian mạng. Để không phải cùng lúc đáp ứng cả Luật Điện ảnh và các quy định về phát thanh, truyền hình, các doanh nghiệp này đã bỏ những chương trình không phải là phim ra khỏi nền tảng.
Làm rõ hơn về pháp lý, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, các nhà cung cấp phải xác định mô hình kinh doanh tại Việt Nam là cung cấp dịch vụ truyền hình hay phim. Nếu là phim, họ phải tuân thủ Luật Điện ảnh năm 2022 và phải gỡ các nội dung truyền hình. Nếu cung cấp truyền hình, các dịch vụ phải làm thủ tục cấp phép theo Nghị định số 71/2022/NĐ-CP.
“Sau khi nhận được yêu cầu quyết liệt từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix đã chọn cung cấp cả phim và truyền hình trả tiền. Trong khi đó, các dịch vụ còn lại chọn cung cấp phim và hạ các chương trình truyền hình trên nền tảng OTT”, ông Do nói.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin thêm, Prime Video nhận thấy mô hình kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp, nên rút khỏi thị trường, còn Netflix đã nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam theo quy định và đang được thẩm định.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, các động thái này là phù hợp, thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp xuyên biên giới khi vào Việt Nam.