Nhiều khó khăn trong thi hành án tín dụng ngân hàng

Đặc điểm nổi bật của việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là có tài sản bảo đảm (tài sản thế chấp) đối với nghĩa vụ thi hành án. Đây là một thuận lợi đối với cơ quan thi hành án dân sự (THADS) do không phải xác minh, tìm kiếm tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án giống như các loại việc thi hành án khác. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành án đối với những vụ việc loại này cũng gặp phải không ít khó khăn.

Đặc điểm nổi bật của việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là có tài sản bảo đảm (tài sản thế chấp) đối với nghĩa vụ thi hành án. Đây là một thuận lợi đối với cơ quan thi hành án dân sự (THADS) do không phải xác minh, tìm kiếm tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án giống như các loại việc thi hành án khác. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành án đối với những vụ việc loại này cũng gặp phải không ít khó khăn.

Nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, khó thi hành; một số quy định pháp luật còn chồng chéo; việc bán đấu giá tài sản không thành khá phổ biến, dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận công dân, tổ chức chưa cao… Những khó khăn trên cần được nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó có giải pháp phù hợp để khắc phục, tháo gỡ.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh Liêm nghiên cứu hồ sơ vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh Liêm nghiên cứu hồ sơ vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Trong những năm qua, số lượng những vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng mà cơ quan THADS hai cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải tiếp nhận chiếm tỷ lệ không cao so với lượng án phải thi hành, nhưng số tiền phải giải quyết chiếm tỷ lệ rất cao. Đơn cử, tại huyện Thanh Liêm, tính từ tháng 10/2022 đến nay mặc dù chỉ có 24 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên tổng số 320 vụ việc phải thi hành án (chỉ chiếm 7,5% số lượng vụ việc) nhưng số tiền phải thi hành án của vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng lên tới gần 21 tỷ đồng trên tổng số gần 43 tỷ đồng số tiền phải thi hành án (chiếm gần 49%). Do đó, việc thi hành án đối với những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu về số tiền phải thi hành án của cơ quan THADS. Mặt khác, hoạt động của các cơ quan THADS cũng có vai trò quan trọng đối với việc thu hồi nợ, làm giảm “nợ xấu” cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Luôn đóng một vai trò quan trọng, song công tác thi hành án của vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, khiến quá trình thu hồi nợ mất rất nhiều thời gian.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khó khăn này, đó là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan THADS xác minh điều kiện thi hành án, cản trở việc cưỡng chế kê biên thi hành án (cố tình vắng mặt, có những lời lẽ, hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm chấp hành viên), đưa tài sản đi khỏi địa phương…, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc truy tìm tài sản.

Đơn cử như vụ việc giữa Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á và ông P.B.P., bà P.T.T.T. (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) với số tiền phải thi hành là gần 652 triệu đồng. Ông P. và bà T. có tài sản thế chấp là một thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Thực tế thửa đất này lại đang bị hộ dân lân cận lấn chiếm một phần diện tích (29m2 đất) để xây dựng nhà ở, sân, nhà xưởng. Theo quyết định của tòa án, hộ dân lấn chiếm đất buộc phải tháo dỡ một phần công trình nhà ở, nhà xưởng và sân để trả lại 29m2 đất cho ông P. và bà T. Tuy nhiên, mặc cho cơ quan THADS nhiều lần ra thông báo yêu cầu chấp hành án, hộ dân lấn chiếm kia vẫn cố tình trây ỳ, không hợp tác, rời khỏi địa phương… Do hộ dân lấn chiếm cố tình trốn tránh việc chấp hành án khiến thửa đất của ông P. và bà T. (là tài sản thế chấp với ngân hàng) chưa thể tiến hành các bước xác minh, kê biên tài sản, dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án.

Bên cạnh nguyên nhân chính là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao, công tác thi hành án đối với những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng gặp nhiều khó khăn còn có nguyên nhân đến từ quyết định của tòa án hoặc từ chính việc lập hồ sơ cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thanh Liêm, một số trường hợp bản án, quyết định của tòa án không tuyên cụ thể, không phân định rõ phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản…, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án. Khi tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận tài sản thế chấp là động sản (ô tô, mô tô, máy móc, thiết bị…) chỉ giữ giấy tờ, không giữ tài sản dẫn đến bên có tài sản đã cố tình cất giấu, tẩu tán tài sản. Khi xét xử, tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản do không truy tìm được tài sản.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính, việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản thế chấp thấp hơn so với khoản vay…), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (đo vẽ, xác định vị trí, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua…). Nhiều trường hợp, chấp hành viên phải cho đương sự thỏa thuận việc xử lý diện tích thực tế hoặc diện tích không bị chồng lấn mới tiến hành kê biên, xử lý tài sản, khiến thời gian tổ chức thi hành vụ việc bị chậm trễ, kéo dài.

Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao hiệu quả THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, trước hết các cơ quan THADS cần tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc cụ thể, đặc biệt trong việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp bảo đảm hiệu quả. Mặt khác, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phát huy vai trò trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/nhieu-kho-khan-trong-thi-hanh-an-tin-dung-ngan-hang-97451.html