Nhiều khuyến nghị của nhà đầu tư nước ngoài gửi tới Chính phủ Việt Nam

Khẳng định sẵn sàng đầu tư, đồng hành cùng Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Sẵn sàng đầu tư, đồng hành cùng Việt Nam

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội cho biết: Khảo sát của JETRO cho thấy, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản

Tương tự, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ: Hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam: Trong nhiều năm, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Đó là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào khi họ tiến hành đánh giá nội bộ để xác định vị trí tốt nhất để đầu tư vào châu Á Thái Bình Dương.

“Bằng cách giữ ổn định hệ sinh thái này, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo được uy tín với các nhà đầu tư cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài dài hạn” - ông Preben Elnef thông tin.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), ông Masayoshi Fujimoto cho biết: “Thành lập văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1986, đến nay chúng tôi đã thành lập một loạt các doanh nghiệp tại Việt Nam phù hợp với giai đoạn của đất nước phát triển. Gần đây nhất, Sojitz đã mua lại Tổng công ty Giấy Sài Gòn và thành lập liên doanh mới với Tập đoàn Vinamilk để giới thiệu, quản lý theo phong cách Nhật Bản trong chăn nuôi”.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham)

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham)

Ông Masayoshi Fujimoto cũng khẳng định, Tập đoàn Sojitz hướng tới đầu tư dài hạn, bền vững phù hợp với chính sách của Chính phủ Việt Nam. Cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải CO2 xuống 0% vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu đó, Sojitz đang xây dựng Nhà máy điện chu trình hỗn hợp nhiên liệu Sơn Mỹ 1-LNG và các dự án Kinh doanh phân phối khí để giảm phụ thuộc vào than đá, tham gia vào sản xuất điện mặt trời áp mái để xây dựng những nhà máy thân thiện với môi trường, khu công nghiệp thông minh góp phần giảm phát thải CO2.

Bà Antonia Zahn-Weber - Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở tại Munich, Đức khẳng định, sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, VFT Industry UG đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam. VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

Mặc dù đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn chỉ ra những điểm bất hợp lý của môi trường đầu tư Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp để cạnh tranh thu hút đầu tư, cùng với đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, tạo thuận lợi cho lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để “giữ chân” và thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mới.

Nhiều đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia Hội nghị

Nhiều đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia Hội nghị

Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit thông tin: Để hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nêu ý kiến: Hiện nay Kocham có tiếp nhận được một số kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc mới vào đầu tư tại Việt Nam về một số khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy,... Nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa.

Cũng theo ông Hong Sun, hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

Theo đó, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ… có như vậy nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư như thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; qua đó tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề mà nhà đầu tư kiến nghị.

Đặc biệt theo Thủ tướng, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

Tại Hội nghị, đã có 3 Tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD. Đó là các nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế.

Sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1 tỷ Euro của nhà đầu tư Đức; Sản xuất trong lĩnh vực y tế khoảng 600 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản và Dự án sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-khuyen-nghi-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-gui-toi-chinh-phu-viet-nam-251382.html