Nhiều kỳ vọng với nghệ thuật biểu diễn truyền thống

Từ khi Hà Nội tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn truyền thống không đơn thuần là loại hình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần người dân mà nó đang được nhìn nhận dưới góc độ là một ngành công nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô. Dù đang trên bước đường định hình và phát triển là ngành công nghiệp văn hóa nhưng loại hình nghệ thuật biểu diễn đã hé mở nhiều kỳ vọng để có thể khai thác và phát huy tốt dư địa này.

Một buổi tập của diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Một buổi tập của diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Sáng tạo để thích ứng

Hà Nội có hàng trăm loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiêu biểu như: Xẩm, ca trù, rối nước, rối cạn, chèo tàu, trống quân, múa trống bồng, múa hát Ải Lao… Với những giá trị độc đáo và lịch sử hình thành hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính là di sản văn hóa phi vật thể vô giá, mang "hồn cốt" của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, rất nhiều loại hình chỉ riêng có ở Hà Nội như: Múa trống bồng, múa hát Ải Lao, chèo Tàu…

Nhiều khách du lịch khi đến Thủ đô không bỏ lỡ các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là rối nước, tiếp đến là ca trù, xẩm. Trong đó, Nhà hát Múa rối Thăng Long được biết đến là nhà hát 365 ngày đỏ đèn, rồi điểm biểu diễn ca trù tại đền Quán Đế của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, chiếu xẩm tại đình Nam Hương của Nhóm Xẩm Hà thành... cũng luôn thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức.

Gần đây, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống được đầu tư bài bản với chất lượng tốt, quy mô lớn đã tạo ấn tượng với du khách. Đặc biệt, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" được coi là sản phẩm văn hóa độc đáo khi lần đầu tiên ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có show diễn thực cảnh với những tinh túy của văn hóa Bắc Bộ thông qua hình thức nghệ thuật mới. Yếu tố dân gian truyền thống và tinh hoa văn hóa được tái hiện đã góp phần nâng tầm các giá trị di sản văn hóa (múa rối nước, quan họ, chầu văn…), đồng thời tạo nên trải nghiệm đặc biệt về vùng châu thổ sông Hồng - từ thi ca, nhạc họa đến Phật giáo, tín ngưỡng… Chính vì vậy, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" thu hút khá đông du khách.

Hay trước đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào khai thác phục vụ du khách vở diễn "Long Thành diễn xướng" với nhiều tiết mục diễn xướng dân gian đặc sắc của nền văn minh lúa nước Đồng bằng Bắc Bộ, mang đậm dấu tích của mảnh đất Thăng Long xưa. Nổi bật trong "Long Thành diễn xướng" là mô hình biểu diễn mới, kết hợp giữa hát chèo và múa rối nước trên cùng một sân khấu. Còn loại hình múa rối nước luôn có sự tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Hát chèo, ví, xoan, dân ca, ca dao tục ngữ, đời sống tâm linh, lễ hội...

Nghệ sĩ múa rối nước Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Múa rối nước là nghệ thuật độc đáo trên thế giới, dù nhiều nước có các loại hình múa rối nhưng riêng rối nước chỉ có ở Việt Nam và Hà Nội là địa phương có nhiều phường rối nhất, với 5 phường. Không chỉ là trò biểu diễn mà rối nước còn như một sứ giả văn hóa mang văn hóa Việt đến tất cả các châu lục. Hiện nay, giới trẻ có chiều hướng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, trong đó có rối nước. Nhiều hoạt động sáng tạo cũng được khai thác từ nghệ thuật rối nước như: Tạo hình rối nước, vẽ tranh, vẽ lên áo phông các con rối nước tạo sự độc đáo, hấp dẫn.

Điều đó cho thấy, trong khai thác, phát huy nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm văn hóa thì việc sáng tạo những giá trị truyền thống, đưa đến một góc nhìn mới lạ cho du khách là điều cần thiết. Đó cũng chính là yếu tố tạo sức hấp dẫn cho nghệ thuật truyền thống mà không làm biến dạng các giá trị gốc. Hay việc ứng dụng nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào đời sống cũng đang được nhiều nhà sáng tạo thực hiện, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

Tăng cường kết nối

Tại một số quốc gia khu vực châu Á, việc khai thác nghệ thuật truyền thống cho phát triển du lịch được thực hiện rất tốt, nhiều tour du lịch có tới 2 - 3 buổi biểu diễn nghệ thuật. Đó là các chương trình nghệ thuật thực cảnh hoặc chương trình được xây dựng độc đáo, với quy mô hoành tráng, có sức cuốn hút người xem. Vì vậy, để khai thác tốt nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho hoạt động du lịch buộc các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa tại Hà Nội phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các đơn vị với các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện cần tăng cường để đưa nghệ thuật biểu diễn tới du khách.

Bài hát “Người ơi người ở đừng về” cất lên vào cuối buổi trình diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" vừa là lời chào, vừa là tình cảm gửi tới các vị khách quý. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN

Bài hát “Người ơi người ở đừng về” cất lên vào cuối buổi trình diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" vừa là lời chào, vừa là tình cảm gửi tới các vị khách quý. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, tính kết nối của chúng ta chưa cao. Muốn đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với du khách thì các đơn vị tổ chức cần tăng cường kết nối với du lịch. Ví như, tour Hà Nội Hop on Hop off có thể kết nối xây dựng tour thăm làng cổ Đường Lâm và xem vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" gói trọn trong một ngày. Hà Nội vừa mới công bố 15 tour du lịch đêm, nếu các bên phối kết hợp khai thác thì du khách có nhiều hơn cơ hội trải nghiệm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và sản phẩm nghệ thuật biểu diễn sẽ được đưa vào tour phục vụ khách.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật có thể kết nối với các trường học tổ chức cho học sinh xem các chương trình biểu diễn, tương tác với nghệ sĩ, trải nghiệm làm các vật dụng. Việc kết nối với các trường học là một hướng đi hữu hiệu để các cháu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và sau này các cháu có những hoạt động sáng tạo về nghệ thuật.

Hiện tại, Hà Nội cũng có nhiều trung tâm hoạt động nghệ thuật do giới trẻ tổ chức và vận hành đang nhiều kết quả khả quan như: Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long, Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa Phi vật thể. Các trung tâm này vừa đào tạo các lớp nghệ thuật biểu diễn truyền thống, vừa quảng bá nghệ thuật đến đông đảo công chúng trong nước và ở nước ngoài. Đó là những bước đi hiệu quả góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa Phi vật thể Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, nhu cầu tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của du khách, nhất là khách nước ngoài ngày càng cao. Chị chia sẻ, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, một công ty du lịch trải nghiệm nổi tiếng trên thế giới đưa đến cho Trung tâm 15 đoàn khách hàng tháng để nghe các chương trình hát văn, xẩm, ca trù... Đơn hàng đặt từng năm một và trả tiền trước mỗi năm cho các đơn hàng. Sau dịch COVID-19, mọi hoạt động thay đổi do công ty đó chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bởi vậy, Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa Phi vật thể cũng thay đổi phương thức kết nối khách với cộng đồng, định vị lại cộng đồng cho mình, thay đổi sản phẩm cho khách hàng. Khi áp dụng công thức tổ chức mới và tăng cường kết nối với đối tác, Trung tâm đã gặt hái được nhiều thành công. Các buổi diễn sáng chủ nhật hàng tuần đều kín khách và đối tác có thể là doanh nghiệp, nhóm doanh nhân, tổ chức quốc tế... và hiện nay, lượng khách hàng đang ngày càng lớn.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô, trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Đó là những yếu tố thuận lợi để các nghệ nhân và các câu lạc bộ di sản văn hóa phi vật thể phát huy tốt vai trò của mình trong giữ gìn và phát huy di sản. Còn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi khai thác tốt lợi thế của nghệ thuật biểu diễn truyền thống tạo thành các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ nhu cầu của công chúng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đinh Thuận (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nhieu-ky-vong-voi-nghe-thuat-bieu-dien-truyen-thong-20240213082843773.htm